Sau 4 năm thực hiện đề án phát triển hiệp hội: Doanh nghiệp không còn đơn độc nhưng... còn hạn chế
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án phát triển hiệp hội (HH) các ngành nghề trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có chung một mái nhà, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, sản xuất trên các lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ, gốm sứ... Tuy nhiên, các HH vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được gải quyết.
Đồng hành cùng DN
Ngày 10-3-2008, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 671/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ có kế hoạch phát triển các HH ngành hàng và triển khai một số chính sách về tài chính để hỗ trợ hoạt động của HH trong thời gian đầu thành lập.
Ngay
sau đó, các ngành chức năng được giao trách nhiệm đã tích cực liên hệ và vận động
các DN lớn có uy tín của tỉnh để tổ chức tham gia Ban vận động thành lập HH.
Tính đến hết năm 2011, Sở Công Thương đã thành lập được 4 HH và 1 Câu lạc bộ
(CLB) gồm: HH Sơn mài - Điêu khắc, được thành lập tháng 8-2006, với 91 hội
viên, trên tổng số 195 cơ sở, DN (chiếm tỷ lệ 46,67%); HH hội Dệt may Bình Dương,
được thành lập tháng 8-2008, với 56 hội viên trên tổng số 357 DN (tỷ lệ
15,69%); HH Chế biến gỗ Bình Dương, được thành lập vào tháng 4-2009 với 84 hội
viên, trên tổng số 537 DN (tỷ lê 15,64%); HH Gốm sứ Bình Dương, được thành lập
vào tháng 2-2010, với 56 hội viên, trên tổng số 218 cơ sở, DN (tỷ lệ 25,69%).
CLB các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, được thành lập vào tháng 8-2008, với
156 thành viên.
Doanh nghiệp gỗ Bình Dương đã có “mái nhà” chung. Trong ảnh: Triển lãm sản phẩm gỗ tại Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ ở TP.HCM
Sau khi thành lập, các HH đã có những hỗ trợ cho nhiều cơ sở, DN hội viên với các hình thức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung, của DN nói riêng, thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các DN hội viên. Các HH đã tổ chức diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên trong chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong tranh chấp thương mại và hòa giải các bất đồng, tranh chấp giữa các hội viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Bên cạnh đó, HH còn là cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng DN với Nhà nước trong nhiều vấn đề liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, HH có vai trò tích cực trong việc hướng dẫn giải quyết các tranh chấp thương mại mang tính toàn cầu.
Các HH cũng đã chủ động xây dựng website nhằm phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước, cập nhật những thông tin nhằm hỗ trợ cho hội viên trong SXKD. Nhìn chung, tại các HH ngành hàng đều có sự đoàn kết, sáng tạo, thực hiện nhiều chương trình hữu ích cho hội viên. Các chương trình do HH phát động được các hội viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia, xem HH như một mái nhà chung.
Vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập
Tuy đã có những mái nhà chung, nhưng do cơ sở pháp lý để HH hoạt động chưa được xây dựng thành luật (hiện tại chỉ có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) nên vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong hoạt động. Do đó, nhiều DN đã không quan tâm tham gia HH. Trên thực tế tỷ lệ tham gia HH còn thấp, cụ thể: HH Dệt may chỉ có 56 hội viên trên tổng số 357 DN; HH Chế biến gỗ có 84 hội viên trên tổng số 537 DN (chỉ chiếm hơn 15%); CLB các nhà XNK chỉ có 156 DN tham gia trong khi toàn tỉnh có hàng ngàn DN XNK. Một số HH cũng chưa chứng tỏ vai trò của mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, hoạt động HH còn hạn chế.
Để HH thật sự là bạn đồng hành cùng với DN, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành Luật Hiệp hội ngành hàng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho HH hoạt động có hiệu quả hơn.
Hiện nay Sở Công Thương đang tích cực vận động thành lập Hiệp hội Cơ - Điện tử Bình Dương (cơ khí và điện - điện tử). Bởi, đây là ngành đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp khác, một ngành mang tính công nghệ cao, gắn liền với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại và ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Tiếp theo đó là thành lập Hiệp hội Dệt may - Da giày Bình Dương (Hiệp hội Thời trang Bình Dương). Căn cứ vào tình hình hoạt động của Hiệp hội Dệt may và các DN da giày có một số điểm tương đồng trong việc cung cấp nguồn nguyên phụ liệu và lao động nên việc thành lập hiệp hội này là cần thiết.
BẢO ANH