Sẽ có cuộc chiến thương mại Nga - phương Tây?

Cập nhật: 22-07-2014 | 00:00:00
Việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine có thể khiến ngành công nghiệp năng lượng của xứ bạch dương thiệt hại ít nhất 150-200 tỷ USD. Cũng những lệnh cấm mới này đã đẩy Mátxcơva vào thế trả đũa. Dư luận thế giới đang nghĩ đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Nga và phương Tây.

   Gazprombank- một trong các định chế tài chính của Nga nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ và EU

    Nguy cơ khủng hoảng toàn cầu

Các nhà hoạch định chính sách của Nga cảnh báo hậu quả tài chính quốc tế nghiêm trọng từ lệnh cấm vận mới của Mỹ và EU chống Nga, theo Washington Post. Thủ tướng Dmitry Medvedev gọi biện pháp trừng phạt nói trên là “vô nhân đạo” và cảnh báo rằng Moscow có kế hoạch tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, an ninh coi như biện pháp trả đũa. Mục tiêu mới của lệnh cấm vận là các ngân hàng lớn, các công ty năng lượng và các công ty quốc phòng của Nga.

Thủ tướng Nga Medvedev nói trên Đài truyền hình Nga: “Chúng tôi có thể quay trở lại giai đoạn những năm 1980 trong mối quan hệ với các quốc gia tuyên bố những biện pháp trừng phạt chúng tôi”.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích những hình thức trừng phạt đó là con dao hai lưỡi, là chiêu thức lỗi thời và cho rằng “kẻ thất bại nghiêm trọng sẽ là cộng đồng doanh nghiệp của Mỹ”. Nga cũng cho rằng những hành động đó của chính quyền ông Obama sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến khả năng hợp tác của Nga trong nhiều lĩnh vực khác. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo hậu quả không thể lường trước cho các biện pháp cấm vận mới, kể cả việc Nga rút khỏi đàm phán hạt nhân Iran.

Những hạn chế mới về vay vốn dài hạn của hai ngân hàng lớn và hai công ty năng lượng lớn nhất của Nga có thể dẫn đến việc thiếu hụt nhiên liệu cho nền kinh tế của Nga. Chỉ số MICEX chuẩn của thị trường chứng khoán Nga đã giảm 2,4% và đồng rúp giảm 0,9% so với đồng USD.

“Tất nhiên những biện pháp trừng phạt sẽ gây thiệt hại”, Itar-Tass dẫn lời Andrei Kostin, người đứng đầu Ngân hàng VTB, ngân hàng lớn thứ hai ở Nga nói. Ông thêm rằng các biện pháp trừng phạt được áp dụng hiện nay là một đòn giáng mạnh vào các công ty lớn nhất của Nga, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp của họ, bất kể cho dù đó là năng lượng hoặc ngành ngân hàng.

Theo ông Kostin, nếu Nga không thực hiện các bước đi để ngăn chặn các hành động đơn phương từ phương Tây, Nga sẽ trở thành những chứng nhân trước những hậu quả thực mang tính phá hoại đối với hệ thống tài chính thế giới.

Các biện pháp của Mỹ và EU cấm các tổ chức cho vay trong thời gian hơn 90 ngày với các ngân hàng lớn của Nga như Gazprombank, VTB, Vnesheconombank... cùng các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn, trong đó có Gazprom, Rosneft… và 8 công ty sản xuất vũ khí, trong đó có nhà sản xuất súng trường tấn công Kalashnikov, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ.

Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin nhận định người thua cuộc lớn nhất sẽ là các công ty quốc tế và là đối tác của Rosneft trong liên doanh với Nga. Exxon Mobil của Mỹ cũng là nạn nhân khi họ tham gia vào một dự án thăm dò dầu khí chung ở Bắc Cực. BP (của Anh) cũng sở hữu cổ phần lớn trong Rosneft.

Mặc dù các biện pháp cấm vận không hoàn toàn cấm các công ty Mỹ làm ăn với các công ty mục tiêu tại Nga, nhưng mối đe dọa leo thang hơn nữa có thể sẽ làm đóng băng bất kỳ những dự án hợp tác mới nào. “Đây là thiệt hại đau đớn cho nền kinh tế Nga”, ông Evgeny Gontmakher, một cựu cố vấn kinh tế thời kỳ Tổng thống Medvedev, nhận xét.

    Nga trả đũa như thế nào?

Tờ Time nhận định: biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền Obama đối với Nga có thể thúc đẩy sự trả đũa chống lại lợi ích kinh doanh của Mỹ trên toàn thế giới. Nếu điều đó xảy ra, sự phục hồi kinh tế tại Nga, Mỹ và châu Âu có thể phải chịu hậu quả.

Nhà phân tích Nga Nomura Dmitri Petrov cho biết Nga có thể quyết định trả đũa không đối xứng với lệnh cấm vận của Mỹ, có thể gây tổn hại kinh tế cho cả châu Âu và Mỹ. “Không đối xứng” ở đây có nghĩa là không giới hạn các biện pháp trả đũa về thương mại mà thông qua nhiều lĩnh vực khác.

Trước mắt, Hạ viện Nga đã thông qua nghị quyết đề nghị ngừng thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START đã ký với Mỹ cũng như ngừng cho Mỹ thực hiện quá cảnh sang Nga để đưa khí tài và nhân lực đến Afghanistan. START có hiệu lực từ tháng 2-2011 với thời hạn 10 năm. Theo hiệp ước này, hai bên sẽ cắt giảm các giàn phóng tên lửa hạt nhân xuống một nửa, giảm 2/3 số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550.

Ngoài ra, theo Moscow Times, lệnh trừng phạt thương mại của Nga sắp tới sẽ nhắm vào các nước Gruzia, Moldova và Ukraine khi 3 nước này vừa ký kết hiệp định thương mại với EU. Nga sẽ tăng thuế nhập khẩu từ hàng hóa của cả 3 nước này.

Nhưng nặng nhất có lẽ là Ukraine khi mỗi năm khoảng 24% hàng xuất khẩu của nước này (tương đương 15 tỷ USD) xuất sang Nga. Con số này lớn hơn GDP của Moldova. Gần đây, Nga cũng đã thực hiện rào cản thương mại với rượu và thịt nhập khẩu từ Moldovia và Gruzia.

Để giảm áp lực trước các lệnh cấm vận mới, Nga cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác truyền thống của họ, trong đó có khối BRICS (Nga, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ). Khối này sẽ thành lập một ngân hàng chung không sử dụng đồng USD cũng như tăng cường hợp tác về thương mại. Trong vòng 7 năm, BRICS sẽ góp vốn lập ngân hàng với 10 tỷ USD. Nga góp 2 tỷ USD. Tên gọi sẽ là Ngân hàng Mới hoặc Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank).

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên