Siết chặt quảng cáo thực phẩm trên không gian mạng

Thứ ba, ngày 13/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ việc thổi phồng công dụng sản phẩm, thực phẩm chức năng, hoặc quảng cáo hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng. Trước thực trạng đó, ngành y tế khuyến cáo người dân nên cảnh giác với những lời “có cánh” của người bán hàng.

 Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh  

 Quảng cáo tràn lan

Hiện nay, việc kinh doanh mua sắm thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội đã mang đến sự tiện ích cho xã hội, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khi sản phẩm giả xuất hiện trong các kênh bán hàng này.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh là trá hình thực phẩm chức năng. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc cảnh báo nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế. Việc quảng cáo gian dối này khiến cho người mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính sử dụng các sản phẩm này có thể bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Thực tế, trên các nền tảng xã hội website, Facebook, Zalo, YouTube, không khó để bắt gặp quảng cáo sản phẩm chức năng trị bách bệnh với cam kết “không tái phát”, “tốt nhất”, “số 1” hoặc “chữa trị dứt điểm” nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Để tăng tính thuyết phục, các quảng cáo thực phẩm chức năng còn lợi dụng người nổi tiếng, sử dụng hình ảnh danh nghĩa các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ. Thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường không chỉ làm cho người bệnh “tiền mất tật mang” mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, đánh đồng sản phẩm thật với sản phẩm giả.

Một cán bộ Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.Thuận An chia sẻ, khó khăn lớn hiện nay của đơn vị trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok là các tổ chức, cá nhân dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa. Hoạt động này đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng, nhất là các đối tượng thường thuê căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao, trong quá trình kiểm tra, các đối tượng dễ dàng xóa đi chứng cứ rất nhanh nên gây khó khăn cho quá trình thực thi công vụ.

Mua hàng online người dân cần cẩn thận

Trước thực trạng kiểm soát hàng hóa thực phẩm trong mua bán online vẫn còn nhiều hạn chế, người tiêu dùng có thể gặp một số rủi ro. Bà Phan Kim Sương, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn, thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng thực phẩm trên mạng xã hội cần: Mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương; những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế. Mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Khi sử dụng thực phẩm chức năng, cần đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; người tiêu dùng cần xem rõ về thành phần, tác dụng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

“Đặc biệt người dân khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội, cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo. Nếu quảng cáo có đoạn “Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm mà không có nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” đều là các quảng cáo vi phạm”- bà Phan Kim Sương cho biết thêm.

 KIM HÀ