Sinh viên khốn đốn với sổ quản lý SV ngoại trú

Cập nhật: 17-09-2010 | 00:00:00

Hiện nay, các trường ĐH, CĐ phải có sổ quản lý SV ngoại trú nhằm quản lý tốt hơn. Nhưng chính quyển sổ này đã khiến nhiều SV phải bao phen khốn đốn.

 

Những bạn SV không ở ký túc xá đều thuộc diện ngoại trú và được cấp một quyển sổ có tên là: Sổ quản lý SV ngoại trú để nhà trường và địa phương tiện theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, có không ít rắc rối xung quanh cuốn sổ này.

 

Hành trình xin dấu xác nhận

 

Năm học mới đối với Phạm Thị Ngọc Hoa (tên SV đã được thay đổi), SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền  mới bắt đầu hơn ba tuần. Nhưng với Hoa, đó là khoảng thời gian thật kinh khủng. Theo quy định của nhà trường, các SV ngoại trú đều phải nộp sổ quản lý SV, hạn cuối là ngày 19-8, nếu không sẽ bị trừ vào điểm học tập của học kỳ trước.

 Vào đại học, SV ngoài ký túc xá đã gặp nhiều phiền phức khi xin xác nhận vào Sổ quản lý SV ngoại trú. Ảnh mang tính minh họa.

Hoa là SV ngoại tỉnh, lên Hà Nội học, Hoa phải trọ ngoài và nghiễm nhiên được xếp vào diện SV ngoại trú. Hoa đã kể về hành trình đi xin dấu xác nhận của phường Dịch Vọng Hậu, nơi Hoa sinh sống. 

 

Lúc đầu Hoa có hỏi rõ cán bộ phụ trách về  các vấn đề về tạm trú, tạm vắng và quản lý SV ngoại trú của phường rằng khi chưa có dấu của trường có xin được dấu ở phường không thì Hoa nhận được câu trả lời là có. Hoa vui vẻ ra về, chắc mẩm mai ra là lấy được sổ.

 

Hai ngày sau, Hoa ra hỏi quyển sổ của mình thì người cán bộ cho biết phải về xin dấu của nhà trường trước. Hoa lại về trường, trình bày với phòng công tác chính trị. Khi đó cũng là ngày hạn cuối cùng nộp sổ. Nhưng rất may Hoa được phép nộp muộn hai ngày vì còn đợi xin dấu nhà trường.

 

Khi có dấu của trường, ngay lập tức Hoa đến Công an phường để xin xác nhận. Hoa bức xúc kể lại: “Lúc đó mình được hẹn 7 giờ tối mai đến lấy sổ. Cẩn thận hơn mình còn gọi điện hỏi trước. Thế nhưng bác ấy bảo còn ăn cơm, mai đến lấy”.

 

Cứ hết lần hứa này đến lần hứa khác, lúc thì bác ăn cơm, lúc khác lại bận này, bận nọ... phải gần 5 ngày sau Hoa mới lấy được sổ. Khi cuốn sổ đến được với Hoa cũng là lúc chốt danh sách xuống khoa chủ quản. Hoa lại phải chạy ngược xuôi, bỏ cả tiết học để xuống trình bày lại và nộp sổ.

 

Với bạn Nguyễn Thảo Lý, SV Đại học Lao động và Xã hội lại hoàn toàn khác. Cũng phải lên phường nhiều lần nhưng mọi giấy tờ đều không được xác nhận. Lý sang xã Mễ Trì xin dấu xác nhận thay vì phường Trung Hòa, nơi bạn đang sinh sống.

 

“Để có được dấu xác nhận dễ dàng thì SV phải là người Hà Nội, hoặc chí ít có người quen làm ở xã, phường. Người này hỏi người kia làm thế nào để xin được dấu dễ dàng, tránh gặp phiền phức thì cần có mối quan hệ hoặc tốt nhất là nhờ bố mẹ xin cho dễ. Còn đối với những SV từ tỉnh khác đến trọ học thì bị quay như chong chóng.” Lý chia sẻ.

 

Không có dấu thì bị phạt

 

Theo quy định chung của pháp luật, học sinh, SV không thực hiện tốt nội quy, quy định về việc quản lý SV ngoại trú sẽ bị xử phạt ở các khung mức khác nhau. SV nhập học sau 1 tháng mà không khai báo tạm trú, sẽ bị khiển trách với 2 lần vi phạm, 3 lần vi phạm thì bị cảnh cáo.

 

SV trộm cắp, gây rối trật tự, vi phạm pháp luật ...thì bị phạt từ mức cảnh cáo cho đến đình chỉ học tập.

 

Các trường Đại học và Cao đẳng cũng rất khác nhau về mức phạt. Mức phạt chủ yếu là trừ điểm học tập của SV và đánh giá quá trình rèn luyện. Đối với trường Đại học Lao động và xã hội, SV không nộp sổ quản lý SV ngoại trú sẽ bị trừ 20 điểm/100 điểm của học kỳ trước. Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì trừ 0,2 điểm vào điểm học kỳ.

 

Thảo Lý cho biết:“ Ở lớp mình đã có nhiều bạn bị trừ điểm rồi. Mình sợ bị trừ điểm nên cố gắng có dấu xác nhận. Dù SV có kêu ca phàn nàn thế nào nhà trường cũng mặc kệ.

 

“Đó là trách nhiệm của SV. Hơn nữa tại các em không nhiệt tình đi xin dấu thôi”, một cán bộ của phòng công tác chính trị đã phát biểu như vậy khi nghe SV trường mình giãi bày.

 

Nhiều bạn SV phàn nàn về cung cách làm khó dễ của các xã phường khi xin dấu cũng nhiều. Nhưng cũng không ít SV chưa nắm rõ được quy định của Thông tư số 27/2009/TT-BGDĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Luật cư trú. Chính những thiếu hiểu biết đó đã dẫn đến việc các bạn tự rước phiền phức cho mình khi chuyển đến chỗ ở mới không đăng ký tạm trú.

 

Ngọc Hoa chia sẻ:“ Mình ở nhà của một cán bộ trong trường nhưng chủ nhà không đi đăng ký, khai báo cho mình. Họ còn bảo mình phải tự làm mọi thủ tục thôi.”

 

Với Thảo Lý, do chưa đăng ký tạm trú tại phường Trung Hòa nên cũng không xin được dấu xác nhận. 

 

Thông tư số 27/2009/TT-BGDĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời nhằm tạo điều kiện cho học sinh, SV ngoại trú có môi trường ăn, ở, sinh hoạt lành mạnh, học tập và rèn luyện tốt, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh, SV tham gia và phát huy được năng lực của mình trong việc xây dựng đời sống văn hoá, nền nếp, kỷ cương, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, SV ở nơi cư trú. Đồng thời, thông tư cũng tạo cơ sở pháp lý để nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý, hỗ trợ cho học sinh, SV ngoại trú. Trong Thông tư cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan Công an cấp xã, phường.

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X