Sinh viên nghèo - những khó khăn ngày nhập học

Cập nhật: 29-10-2010 | 00:00:00

Trong khi những sinh viên (SV) con nhà khá giả yên tâm bước vào một năm học mà họ chờ đợi bao lâu nay thì SV nghèo đối mặt với bao khó khăn. Kể cả những bậc phụ huynh cũng rất lao đao để lo đủ tiền cho con nhập học.

Tháng 10, các trường đại học, cao đẳng đồng loạt đi vào năm học mới. Tuần đầu tiên sau ngày làm thủ tục nhận khoa, nhận lớp là SV bước vào những ngày học nội quy, quy định của trường. Phụ huynh cũng lo “chạy đôn chạy đáo” với các khoản học phí, tiền trọ, tiền ăn cho con.

 

Có được phòng trong KTX của trường như thế này, SV sẽ bớt một khoản chi phí hàng tháng

Em Đ. quê ở Đồng Nai nộp đơn vào học trường Đại học KTKT Bình Dương. Thi đại học thiếu 2 điểm nên em học theo nguyện vọng 2. Số tiền đầu năm phải đóng gồm học phí, tài liệu, các loại bảo hiểm... gần 3 triệu đồng. Em kể: “Vì sợ không đóng tiền đúng hạn nên ba mẹ em phải vay nóng cho em đi học. Ba em tính vay tạm sau này vay được tiền từ Ngân hàng chính sách xã hội sẽ trả lại nhưng thủ tục vay vốn khá rườm rà làm cho số tiền lãi cứ thế tăng lên...”.

Theo em Đ. gia đình em làm nghề nông. Nay chưa tới vụ thu hoạch nên không có tiền. Trong khi đó, gia đình không phải diện hộ nghèo nên muốn vay tiền từ chương trình hỗ trợ SV ở địa phương phải có giấy xác nhận nhập học tại trường. Em đã liên hệ trường và được cấp cho tờ giấy xác nhận. Tuy nhiên, khi về lại địa phương, gia đình em lại được hướng dẫn làm theo một mẫu xác nhận khác có đầy đủ tên trường, số tài khoản của trường, tài khoản mở ở ngân hàng nào... và yêu cầu trường xác nhận. Qua nhiều lần vòng vèo để hoàn tất thủ tục, ba em cũng cầm được số tiền vay vốn 6,8 triệu đồng (tương đương với học phí, tiền trọ cho 2 học kỳ), lãi suất ưu đãi 0,5%. Cầm được tiền vay nhưng khổ nỗi, gia đình em phải trả thêm một khoản lãi từ số tiền trước đây vay nóng cho con...

Ghé phòng đào tạo của các trường đại học trong dịp này, chúng tôi cũng gặp nhiều SV đến xin giấy chứng nhận để vay vốn. Em T. (quê Đắc Nông) cùng một số người bạn khác đang hỏi thủ tục vay vốn. Trao đổi với chúng tôi, em e dè cho biết: “Cũng như nhiều hộ nghèo khác, mẹ em vay nóng bên ngoài và em đang lo, nếu không vay được tiền sẽ tốn một khoản không nhỏ cả vốn lẫn lãi để trả cho người ta”. T. còn nói thêm rằng; cho SV vay vốn là chủ trương đúng đắn và đã giúp cho SV nghèo có điều kiện theo học. Bản thân em nếu không được vay vốn thì cũng khó bề hoàn tất 4 năm đại học. Một phụ huynh khác đến từ Bình Định đang chờ con làm xong thủ tục nhập học để về nhà trọ cũng nói trong nghẹn ngào: “Cả nhà tôi bán hết heo, gà, vịt chỉ được gần 2 triệu đồng. Phải chạy vạy mượn thêm 3 triệu đồng nữa để đưa con vô Bình Dương học bởi đóng học phí, tiền nhà trọ, để lại tiền ăn cho con ít nhất một tháng rồi tính tiếp”.

Chỗ trọ cũng là vấn đề nan giải trong dịp này. Hầu hết các trường không đủ phòng ở ký túc xá (KTX) cho SV. Rất nhiều khu nhà trọ của dân trở thành “KTXSV tư nhân” quanh các trường Đại học KTKT, Đại học Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một... Nhiều nhất là  khu vực gần Khu dân cư Hiệp Thành 2. Nếu may mắn, SV sẽ được nhận vào KTX của trường với mức đóng 550.000 đồng/học kỳ. Tính ra khoảng hơn 100.000 đồng/tháng luôn điện nước. Nếu chậm chân, hết chỗ, SV đành chấp nhận “ở ghép” với bạn bè. Giá thuê phòng trọ hiện dao động từ 750.000 - 800.000 đồng/phòng. Tính ra nếu 4 người ở chung một phòng thì SV cũng đã trả 200.000 đồng/tháng cho tiền trọ.

Chưa kể chuyện sắm sửa để “ra riêng” cho mỗi SV từ những vật dụng cá nhân và tiền ăn trong thời buổi đắt đỏ này. Mỗi dĩa cơm SV khoảng 12.000 đồng là giá bình dân nhất cũng ngốn của gia đình mấy trăm ngàn mỗi tháng. Khó khăn chồng chất nên rất nhiều SV cho biết; sau khi ổn định việc ăn ở, học hành sẽ nhanh chóng xin việc làm thêm tại các cửa hàng, quán cà phê để đỡ tiền sinh hoạt phí cho gia đình mình.

Thế mới biết; thi rớt - buồn/ thi đậu - lo là nỗi niềm muôn thuở của SV nghèo...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X