Sinh viên vào mùa bán hàng giảm giá

Cập nhật: 06-02-2015 | 15:00:23

Trong cái se lạnh của những ngày cận tết, nhiều mặt hàng bắt đầu “xuống đường” phục vụ cho nhu cầu mua sắm. Để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học, nhiều sinh viên (SV) tham gia buôn bán hàng giảm giá (hàng “sô”) trong các khu chợ đêm. Nhờ vậy, nhiều SV kiếm số tiền kha khá, nhưng cũng có trường hợp do mải mê kiếm tiền mà việc học phải dở dang.

  Gian hàng quần áo của SV Lý Thị Lan, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP..HCM. Ảnh: N.HẬU

Hàng “sô” xuống đường

Không đến chợ đêm ở làng đại học (khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM - KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) mua sắm thì khó hình dung được giá cả ở nơi đây “mềm” thế nào: Chỉ từ 10.000 - 50.000 đồng là có thể sở hữu một chiếc áo. Đặc biệt có gian hàng còn mở đợt “siêu khuyến mãi” với 100.000 đồng mua được 4 áo; 80.000 - 100.000 đồng một chiếc quần jean. Giày dép thì đủ giá, chỉ từ 25.000 đồng trở lên đã có một đôi dép bắt mắt. Còn những mặt hàng như khăn mặt, vớ, bàn chải đánh răng... thì 10.000 đồng có thể mua được 2 - 3 bộ...

Không khí chợ đêm ở đây lúc nào cũng vui nhộn, tấp nập người mua bán. Phần lớn “ông chủ, bà chủ” của các gian hàng ở chợ đêm đều là sinh viên, ban ngày đi học, tối bán hàng kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Đó cũng là lý do mà chợ luôn đông người, tấp nập vì người bán hàng ở đây rất dễ chịu. “Có thể vô tư chọn lựa, trả giá, hàng mua về mà không ưng ý có thể đổi lại, không sao”, bạn Nguyễn Thị Nhung, SV năm 2 trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết. Nguyễn Văn Toàn (SV trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) khoe: “Mình mới mua chiếc quần jean rất đẹp giá chỉ 95.000 đồng. Trong khi những chiếc quần giống vậy ở các cửa hàng thời trang giá có thể lên tới 200.000 - 300.000 đồng”. Toàn còn cho biết thêm: “Mình thường mua đồ ở đây vì giá rẻ hơn nhiều nơi khác mà chất lượng cũng tạm ổn”.

Mua 1, bán 5

Tại một gian hàng bán quần áo, “ông chủ” Hoàng Lý N. (SV trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cầm áo sơ mi liên tục rao: “Các bạn ơi! Khuyến mãi lớn, 4 áo chỉ có 100.000 đồng… Ai nhanh tay mua thì có, không thì hết”. Nghe vậy, nhiều SV kéo đến mua. N. liên tục đưa áo cho khách thử và tính tiền. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm áo sơ mi được bán ra. Tranh thủ chút thời gian ít ỏi, chúng tôi bắt chuyện và được N. chia sẻ về công việc buôn bán: “Lúc trước em có phụ bán hàng tại một cửa hàng quần áo nhỏ ở TX.Dĩ An. Một thời gian sau em quen biết với một số cơ sở may mặc tư nhân nên rủ thêm mấy bạn trong lớp góp vốn mở quầy bán quần áo riêng”. N. cũng thành thật chia sẻ “bí quyết” buôn bán: “Khách hàng của em chủ yếu là SV. Khi đi mua sắm, SV thường quan tâm đến mẫu mã, giá, cuối cùng mới là... chất lượng. Vì vậy, em thường nhận quần áo “sô” về bán. Quần áo loại này thường là hàng bị trả lại của các công ty may mặc hoặc hàng tồn kho bán không chạy, được công ty tuồn ra ngoài bán với giá lẻ. Thậm chí, một số công ty còn bán bằng cách cân ký với giá vài chục ngàn đồng/kg. Một kg quần áo cũng có gần 10 cái hoặc nhiều hơn tùy loại, nếu bán mỗi cái với giá từ 20.000 - 50.000 đồng thì có thể nói mua 1, bán 5”.

Còn tại một gian hàng bán giày dép, nhiều SV đang thử dép, trong khi “bà chủ” Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SV năm 4, trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) đang tất bật tính tiền cho khách hàng. Chờ khách hàng đi hết, chúng tôi tranh thủ bắt chuyện với Hạnh. Hạnh cho biết: “Em bán hàng ở đây cũng đã gần một năm rồi. Thu nhập cũng được, có hôm em bán được gần cả triệu tiền lời!”. Khi chúng tôi ngỏ lời có ý định mở một gian hàng giày dép nhưng không biết lấy hàng từ đâu và muốn được tư vấn, Hạnh không ngần ngại chia sẻ ngay: “Nếu anh muốn mở hàng thì em cũng mách nước cho anh. Ở làng Đại học Quốc gia này mà bán đồ hàng hiệu thì không có ai mua và chẳng có lời đâu. SV ở đây rất ưa chuộng hàng giá rẻ và đẹp là được. Nắm bắt được tâm lý này, em thường liên hệ với các đầu nậu để lấy hàng. Đa phần, họ thường bán hàng theo ký. Còn em thì bán hàng theo cái, lời là ở chỗ đó! Nếu anh thật sự muốn mở quầy thì em làm trung gian cho, giá cả thỏa thuận!”.

Ảnh hưởng đến việc học

Chỉ hơn 2 tháng buôn bán, Hoàng Lý N. đã “lên đời” từ điện thoại giá rẻ thành iPhone 5S, sắm laptop khiến bạn bè phải ghen tị. Song, điều đáng buồn là từ một SV có học lực khá giỏi, dần dần kết quả học tập của N. sa sút thấy rõ từ khi đi làm. Đến năm cuối, bạn bè ôn thi tốt nghiệp thì N. vẫn dửng dưng suy nghĩ một cách đơn giản năm nay không ra trường được thì năm sau. Chính vì vậy đến thời điểm này N. đã học gần 5 năm, nợ các môn chồng chất và không biết chừng nào mới được cầm tấm bằng cử nhân trong tay.

Sau 1 năm tham gia “chạy hàng”, Nguyễn Đức A. (SV trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết thường xuyên bị đau đầu. Một lần đang ngồi học trên lớp, Đức A. thấy xây xẩm mặt mày nên đã được các bạn đưa xuống phòng y tế của trường. Khi đó, Đức A. mới biết mình bị mắc chứng bệnh suy nhược thần kinh do ăn ngủ không điều độ. Cho đến thời điểm này, Đức A. vẫn phải trong thời gian học để ôn thi trả nợ môn và ra trường chậm mất một năm. “Mặc dù thời gian đến giảng đường là 5 buổi trong tuần nhưng cứ vào mỗi buổi là em lại vội đạp xe đến chỗ gửi hàng để chuẩn dọn hàng cho kịp bán, hôm nào cũng 12 giờ đêm mới về đến nhà. Sáng thì ngủ dậy muộn, chẳng còn nghĩ gì đến việc ôn bài, ngồi học trên lớp mà như vịt nghe sấm, chỉ thấy mệt mỏi, học hành không tập trung”, Đức A. phân trần.

Trường hợp của Trần Lê Ánh T. (SV trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng thật đáng tiếc. Hầu hết các tiết học T. đều nhờ các bạn điểm danh giùm. Một tuần T. chỉ lên lớp 1 - 2 buổi. Công việc buôn bán đã chiếm hết thời gian hàng ngày của T., việc học vì thế ngày một sa sút. Học kỳ vừa rồi, T. học 7 môn thì rớt đến 4 môn. 2 năm học tại ĐH Bách khoa, học kỳ này qua học kỳ khác, số môn nợ ngày càng nhiều nên T. chán nản và bỏ học. Năm nay, T. định buông xuôi năm học này và quyết tâm qua sang năm làm lại từ đầu.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, khi những chuyến xe xuôi ngược đưa nhiều SV về quê ăn tết thì có những bạn SV tạm gác nỗi lo đèn sách chuyển sang buôn bán kiếm thêm thu nhập. Những hình ảnh đó thật đẹp, nhưng càng đẹp hơn nếu họ dung hòa được giữa công việc và chuyện học hành… 

Tiền nào của nấy!

Đó là nhận xét của nhiều người khi mua hàng tại chợ đêm ở làng đại học. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu nói: “Tôi nghe mọi người kháo nhau ở chợ đêm làng đại học bán đồ rất rẻ nên rủ thêm mấy người bạn đến đây mua sắm. Khi xuống chợ đêm, tôi không tin vào mắt mình là giá cả lại “mềm” như vậy. Tôi chỉ bỏ một số tiền nhỏ mà mua được nhiều quần áo, giày dép đẹp. Về nhà, tôi hí hửng mang ra dùng. Ai ngờ, đôi giày mới đi được có một tuần đã đứt, quần mặc mấy ngày đã rách, áo thì đứt nút…”. Nhiều người mách nhỏ sau khi mua quần áo ở đây, khi mang về chớ vội mặc liền mà hãy ra tiệm sửa quần áo “đạp lại” đường chỉ để tránh bị “quê độ” vì quần áo có thể bị rách bất cứ lúc nào.

 

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết
Theo mình, kinh doanh ko xấu, quan trọng là các bạn phải làm chủ được thời gian, cân đối giữa bán hàng, học và thời gian sinh hoạt. Chắc gì các bạn cầm tấm bằng Đại học ra trường đã có được công việc ổn định, nếu cố gắng mình tin các bạn có thể làm giàu được từ việc bán hàng đó. Mong các bạn đều có thể làm chủ trong tương lai, là chủ shop, hoặc thậm chí là chủ doanh nghiệp. Việc học là cần thiết, nhưng học để làm gì mới là quan trọng. Nếu các bạn có ước mơ, có đam mê và học là 1 phần để hiện thực hóa nó, thì việc học mới có ý nghĩa. Còn đối với bạn, việc học sách vở nhà trường quá tù túng, không bằng việc học các kỹ năng ở ngoài đời và bạn tin rằng, bạn nhất định thành công trong kinh doanh thì việc buôn bán là một sự lựa chọn tốt.Thiếu gì sinh viên học về kinh tế ước mong ra trường mở shop, bán được hàng. Quan trọng là bạn muốn gì, bạn ước mơ gì, chứ không phải là làm thế này bạn sẽ bị trả giá hay nó không tốt vì để thành công cái giá phải trả không chỉ đơn giản là vậy. Chỉ cần bạn có ước mơ, xác định rõ mục tiêu và quyết tâm, tôi tin các bạn nhất định thành công.
Nguyễn Nhã Hân (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên