Soạn giả Phi Hùng: Kỷ niệm về những vở diễn yêu nước

Cập nhật: 27-06-2014 | 00:00:00

   Vở cải lương “Lá chắn biên thùy”, một vở diễn đề cao lòng yêu nước của soạn giả Phi Hùng

 Thời đó có rất nhiều vở tuồng nói lên lòng yêu nước, chống chiến tranh, như: “Người nghèo trong khói lửa”, “Hồn thiêng sông núi” (của Phạm Trần), “Nhụy hoa lan” (của Mai Quân), “Giải thoát”, “Quê mẹ” (của Thu An), “Trăng nước Lam Giang” (của Phong Anh), “Cửa chùa đẫm máu em tôi”, “Vợ tôi là kỹ nữ” (của Phi Hùng)…

“Vợ tôi là kỹ nữ” nói về lòng yêu nước và tình bạn. Có 2 người bạn thân là Phạm Duy Tùng (do Thân Trọng đóng) và Phan Trần Nguyễn (Do Minh Cảnh thủ diễn) lập gia đình với 2 cô gái trẻ đẹp, trong đó Bích Hạnh đóng vai nữ chính là vợ của Phan Trần Nguyễn… Hai đôi vợ chồng chung sống hạnh phúc với nhau được một thời gian ngắn thì Tùng và Nguyễn theo nghĩa quân Lê Lợi nhằm chống lại quân Minh đang xâm lược nước ta (vào thế kỷ thứ 15). Ngoài chiến trận, trong một trận đánh ác liệt Tùng bị thương nặng, còn đơn vị của Nguyễn cũng phải tháo chạy, Nguyễn bị thương và mất tích…

Ở nhà, vợ Nguyễn được một người bạn cùng chiến đấu với chồng đến báo tin về Nguyễn. Vừa nghe hung tin, vợ Nguyễn liền xỉu tại chỗ, người bạn kia bèn ôm vợ Nguyễn đỡ dậy. Vừa lúc đó, Nguyễn về tới, chứng kiến cảnh vợ mình đang trong vòng tay người đàn ông khác. Do hiểu lầm, Nguyễn đầu quân theo giặc Minh. Khi Nguyễn nhận ra hành động sai trái của mình và không hợp tác với quân giặc nữa thì Nguyễn bị giặc giam cầm. Được tin, Tùng và người bạn bị hàm oan trên cùng một số nghĩa quân khác tìm đến giải cứu.

“Vợ tôi là kỹ nữ” được viết xong vào cuối năm 1962, nghệ sĩ Minh Cảnh đồng ý mua để làm vở khai trương cho gánh hát Minh Cảnh của mình tại rạp Tân Quy ở Nha Trang vào cuối năm 1964. Tuy nhiên, tuồng bị cấm diễn. Gánh Minh Cảnh bèn kéo nhau ra huyện Ninh Hòa (nay là TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) rồi sau đó lên Buôn Ma Thuột để hát “chui” tuồng “Vợ tôi là kỹ nữ” và được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Khán giả vỗ tay khen ngợi cả trong những lời đối thoại chứ không chỉ khi nghệ sĩ xuống vọng cổ… “Vợ tôi là kỹ nữ” ăn khách đến nỗi anh quản lý tuồng nói rằng mong cho hết tuồng để kéo màn, chứ hát đến đâu khán giả cứ vỗ tay rần rần đến đó, sợ quá! Điều này làm cho anh soạn giả tuồng là Phi Hùng cũng mừng rơn. Mừng là tuồng có giá, lại được tuyên truyền sâu rộng ý đồ chính trị qua nội dung vở diễn…

Sau năm 1975, khi Minh Cảnh thành lập Đoàn Sông Bé thì “Vợ tôi là kỹ nữ” cũng được chọn làm vở khai trương và hát trong một thời gian dài.

Soạn giả Phi Hùng cũng như hầu hết anh chị em nghệ sĩ hoạt động trong lòng địch thời đó đều hoạt động đơn tuyến, phải tự sáng tạo trong chiến đấu, phải tự lực về đời sống thường nhật và đa phần trong số họ đều trung thành tuyệt đối với dân, với Đảng. Những năm 1964 và 1967, Phi Hùng bị lộ nhưng nhờ nhanh trí, anh đã chạy thoát để tiếp tục hoạt động cho đến ngày thống nhất đất nước.

DẠ TRẦM (Dựa theo lời kể của soạn giả Phi Hùng)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=554
Quay lên trên