Soạn giải Phi Hùng: Những tuồng cải lương đề cao lòng yêu nước sẽ sống mãi

Cập nhật: 13-06-2014 | 00:00:00

Phi Hùng hiện là một soạn giả kỳ cựu và nổi tiếng trong làng sáng tác kịch bản về cải lương. Ông vừa tham gia viết 2 bài ca cổ có tựa “Người lính già” và “Bẽn lẽn” để kỷ niệm 15 năm thành lập huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An).

Từ năm 1960 đến nay, soạn giả Phi Hùng đã có hàng chục vở tuồng được công diễn trên nhiều sân khấu, như: “Hừng đông”, “Hẹn mùa chiến thắng”, “Mùa xuân hai mươi”, “Cửa chùa đẫm máu”, “Đường về quê mẹ”… Năm 2007, soạn giả Phi Hùng được “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” bởi 3 kịch bản: “Thất trảm sớ”; “Người giữ mộ” và “Cho đời soi gương”. Trong “gia tài” kịch bản khá đồ sộ của ông, đa phần nói lên tình yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết, chung lưng đấu cật và hun đúc tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc nhằm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi của quân dân nước Việt. Chẳng hạn như: “Đường trăng”, “Lá chắn biên thùy”, “Tết Quang Trung”…

Soạn giả Phi Hùng. Ảnh: D.T

Năm 1964, “Đường trăng” là vở khai trương cho gánh hát Diên Hồng tại Mỹ Tho, Tiền Giang và sau đó tuồng này còn công diễn trên nhiều sân khấu khác tại miền Nam. Nội dung vở tuồng nói về sự đồng tâm hiệp lực, đồng cam cộng khổ của quân và dân ta khi cùng nổi lên chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.

Còn “Lá chắn biên thùy” nói lên tài thao lược, dũng cảm, mưu trí của vị nữ tướng Hồ Đề (do Thoại Mỹ đóng). Vào năm 41 khi quan quân nhà Hán sang xâm lược nước ta, chị em Hồ Đề và Hồ Hác (do Kim Tử Long thủ diễn) được sự hưởng ứng nhiệt thành của 72 sơn động quanh vùng đã cùng nhau đứng lên chống giặc trong khí thế hào hùng, quả cảm. Hồ Đề sau được Trưng Vương phong là Đề nương công chúa, lãnh chức Phó nguyên soái.

Còn vở tuồng “Tết Quang Trung” là cuộc hành quân thần tốc tiến thẳng về phương Bắc, là chiến thắng oanh liệt của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung (1753-1792) khi đánh đuổi quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta, là tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của quân dân nước Việt...

Và mặc dù đoàn quân của Nguyễn Huệ không có những ngày tết bình thường vì bận phải hành quân nhưng chiến thắng Đống Đa như một món quà vô cùng quý giá, một “món quà tết” cho cả dân tộc, một dân tộc oai hùng, không khiếp sợ trước sự hung hăng của bất kỳ kẻ thù nào…

Hiện nay, tuy tuổi đã cao song soạn giả Phi Hùng vẫn luôn miệt mài với bút mực. “Nếu có sân khấu, đơn vị nghệ thuật nào dàn dựng, tôi cũng sẽ còn tiếp tục viết nữa…”, soạn giả Phi Hùng cho biết.

DẠ TRẦM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=630
Quay lên trên