Sớm giải quyết hạn chế, đưa hoạt động quỹ tín dụng đi đúng hướng

Cập nhật: 08-07-2019 | 07:46:09

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương cho biết trong những năm qua, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về lượng và chất, góp phần hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đồng thời hạn chế tín dụng “đen” trong nông thôn... Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND cần sớm khắc phục.

 Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa (Phú Giáo). Ảnh: THANH HỒNG

 Nhiều cố gắng

Theo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, thời gian qua công tác tín dụng của các QTDND trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định của pháp luật. Công tác thẩm định giải ngân và kiểm tra sau khi cho vay được các quỹ chú trọng; các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng; hầu hết các quỹ kinh doanh có lãi... Tính đến cuối tháng 6-2019, tổng nguồn vốn hoạt động của 10 quỹ đạt trên 1.710 tỷ đồng, tăng 6,38%; tổng dư nợ tín dụng đạt trên 1.131 tỷ đồng, tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết từ đầu năm đến nay, nhìn chung các QTDND trên địa bàn ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Các quỹ đã có nhiều nỗ lực trong công tác nguồn vốn, bảo đảm huy động nguồn vốn tại chỗ, đáp ứng tốt nhu cầu cho vay thành viên. Bên cạnh đó, các quỹ phát triển theo đúng định hướng, đạt mục tiêu phương án chuyển tiếp hoạt động theo Thông tư 04 của NHNN.

Đại diện QTDND Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, hiện quỹ đang thực hiện lộ trình chuyển tiếp theo Thông tư 04 của NHNN. Quá trình thực hiện, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ. Cụ thể, trong quy định vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, như vấn đề thu hẹp địa bàn hoạt động với các xã không liền kề với trụ sở chính, trong khi quỹ đã đầu tư mua sắm tài sản cố định, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở chính và phòng giao dịch hoặc thuê văn phòng hợp đồng dài hạn, đào tạo nhân sự, nghiệp vụ… tốn rất nhiều chi phí. Nếu thực hiện theo Thông tư 04, quỹ sẽ gặp khó khăn khi thu hồi nợ. Hay như việc quy định quỹ tín dụng phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi 0,15%, còn phải tham gia quỹ bảo toàn hệ thống, khiến quỹ phát sinh nhiều khoản chi phí đầu vào.

Còn bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTDND An Thạnh (TX.Thuận An), cho hay trong 6 tháng đầu năm 2019, việc tăng trưởng thành viên, huy động vốn, dư nợ cho vay của đơn vị tuy có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu theo lộ trình phương án đã xây dựng từ đầu năm. Nguyên nhân là do số lượng thành viên của quỹ thường xuyên thay đổi do không có nhu vay vốn, chuyển cư trú, không góp vốn thường niên bị khai trừ theo quy định tại Thông tư 04 của NHNN. Bên cạnh đó, việc quy định không cho vay đối với thành viên cư trú ngoài địa bàn cũng phần nào ảnh hưởng đến dư nợ cho vay của quỹ.

Chấn chỉnh để quỹ tín dụng hoạt động hiệu quả

Đại diện NHNN thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND. Hạn chế trước hết là việc quản trị điều hành tại một số quỹ còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về công tác huy động vốn và quản lý thu chi tài chính của QTDND còn nhiều vấn đề, như việc duy trì tỷ lệ tiền gửi từ thành viên từ 60% trở lên chưa thật sự bền vững. Vẫn còn trường hợp QTDND vi phạm về công tác chi tiêu tài chính và chứng từ kế toán làm ảnh hưởng đến hoạt động quỹ…

Riêng về kết quả thực hiện chuyển tiếp theo Thông tư 04 của NHNN, các đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được xác định là do các thành viên còn dư nợ vay tại quỹ tín dụng; công tác tuyên truyền, tập huấn về mô hình hoạt động của quỹ tín dụng chưa nhiều. Ở góc độ vĩ mô, một bộ phận QTDND ở một số địa phương trong cả nước có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ giữa các thành viên, chạy theo mục tiêu lợi nhuận; không tuân thủ các quy định pháp luật…

Trước tình trạng nói trên, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND. Theo đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đưa ra nhằm bảo đảm các QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, hoạt động đúng mục tiêu, đúng tính chất của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác.

Ông Phong cho biết, cùng với những giải pháp của NHNN, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các QTDND yếu kém nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến Thông tư 04, đại diện NHNN cho biết tuy đang có những quy định khiến hoạt động các quỹ tín dụng gặp khó khăn nhưng về lâu dài đây là xu hướng tất yếu, hướng đi bài bản và căn cơ nhằm chấn chỉnh hoạt động của QTDND.

 Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 QTDND, hoạt động tại 38 xã, phường, thị trấn của TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng. Theo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, hệ thống QTDND có một lợi thế là “gần dân”. Các thành viên trong quỹ có mối quan hệ hiểu biết về nhau rất rõ, do vậy có thể cung cấp các khoản vay ngay lập tức, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người đi vay.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên