Sống chung để nương tựa nhau...

Cập nhật: 17-08-2011 | 00:00:00

Ai cũng có công việc riêng nên phải biết nương tựa vào nhau, giúp nhau cùng... hoàn thành nhiệm vụ! Không chỉ có bất tiện khi nhiều thế hệ sống chung một mái nhà mà đó lại là “thế mạnh” khi có điều kiện để chăm sóc con, cháu, cha mẹ...

 Gia đình chú Tuấn cô Bình dự thi nấu ăn trong ngày hội gia đình

Bữa cơm ngon hơn

Đó cũng là cách sống của gia đình chú Nguyễn Quang Tuấn và cô Nguyễn Thị Thanh Bình ở phường Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một. Cô Bình nói: “Nhà cô hay lắm nhé. Trong nhà có đến hai phụ nữ nhưng chú vẫn là người nội trợ chính khi cần thiết. Lý do là cô bận việc làm ăn cộng thêm công tác đoàn thể. Con gái bận lo cho con nhỏ và đi làm nên chú thường “kiêm” chuyện nấu nướng”. Hoàn toàn không “sĩ diện” khi được vợ khen nội trợ giỏi như thế, chú Tuấn cười hiền lành: “Nấu ăn dễ òm mà, có gì vất vả lắm đâu?”... Theo như cách chú nói, khi người ta biết yêu thương, chăm sóc nhau từng chút một trong cuộc sống thì việc gì cũng trở nên dễ dàng...

Cô Bình phụ trách hội phụ nữ ở khu phố và “kiêm nhiệm thêm” công tác dân số, y tế... Cứ việc này việc kia “lôi” đi riết như thế nên cô luôn phải nhờ chồng giúp một tay chuyện tề gia nội trợ. Tất nhiên theo cô, cũng phải “biết điều” chứ không vin vào cớ bận để... nhường việc nhà cho chồng mãi. Những lúc ở nhà, cô vẫn là người cáng đáng tất cả, là nội tướng “chỉ huy” cả gia đình 3 thế hệ này.

Chị Nguyễn Thị Trúc Mai, con gái của cô chú đã có gia đình, có con nhỏ nhưng luôn được ba mẹ chăm sóc cháu giùm nên rất yên tâm khi đi làm. Theo chị Mai, nếu không có ba mẹ phụ một tay chăm sóc cháu thì khó khăn rất nhiều cho những đôi vợ chồng trẻ như chị.

Chú Tuấn thường tỏ ra rất rành nấu ăn khi trong một hội thi nấu ăn, thể thao cả gia đình chú nhận vai trò bếp chính. Chú làm những món ruột (cũng thường nấu đãi cả nhà) như: mì xào thập cẩm, cơm trắng ăn với cá kèo kho tộ, gà nấu chua với lá giang và thơm... Với những người sống chung nhiều thế hệ như thế, theo họ, bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc hơn dù chỉ là những món đơn giản, gọn nhẹ nhất! Bởi, được cùng ăn với người thân, được nghe người thân chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống để giúp nhau mới là điều quan trọng trong cuộc sống này...

Nơi nương tựa khi “tan vỡ gia đình nhỏ”!

Lý do mà chị Thủy cứ trù trừ mãi không chịu ly hôn là không biết sau đó, sống ở đâu. Không dám nghĩ chuyện quay về nhà ba mẹ vì còn hai đứa em tuổi ăn học, ba mẹ đã “lo muốn chết” nay mình bồng con về thì “coi sao được?”. Thế nhưng, ba mẹ chị Thủy đã xóa tan ngay suy nghĩ đó của đứa con gái và họ đón con, cháu về nhà (thị xã Thuận An) để sống chung. Với họ, đó cũng là cách giúp con sớm “dứt nợ với người chồng không biết trách nhiệm làm chồng, làm cha”.

Chị Thủy làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân. Chồng chị cũng có công việc ổn định nhưng mê đến 2 thứ trong “tứ đổ tường” là đánh bài và bồ bịch nên mẹ con chị sớm bị... ra rìa! Thằng bé mới có hơn tuổi nhưng ít khi được ba chăm sóc. Chị Thủy kể: “Làm ba gì mà ảnh đi riết, có khi mười ngày nửa tháng không thấy mặt con cũng chẳng nghe ảnh nói nhớ nhung gì. Vợ thì không thương yêu nữa, không nói tới cũng còn có lý chứ con mình sinh ra, ảnh cũng không có chút tình cảm nào hết. Suốt ngày ảnh cặp bồ với mấy cô tiếp viên nhà hàng, quán cà phê chòi. Ngoài công việc (chở hàng thuê cho chủ) là ảnh lại... lủi đi đánh bài có khi cả đêm không về. Thế nên, nhà không khi nào có dư một đồng bạc. Nghĩ tới tương lai hai mẹ con thấy... xám xịt quá nên phải tự cứu lấy mình”...

Sau ly hôn, chị bồng con rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Hoàn toàn không mang theo thứ gì hay đòi bồi thường, tiền chăm sóc con hàng tháng gì cả. Khi chị chuyển về sống chung với ba mẹ, tưởng hai đứa em sẽ “mặt nặng mày nhẹ” nào ngờ cả ông bà, cậu dì đều thương cháu vô cùng. Sáng, cậu đi học, dì ở nhà chăm cháu. Chiều, dì đi học thì cậu à ơi ru cháu ngủ. Ông bà ngoại vẫn đang tuổi đi làm nhưng thỉnh thoảng lại tranh thủ về nhà thăm “cục vàng của ông bà”. Trong căn nhà họ luôn đầy ắp tiếng cười. Về phần chị Thủy, có người thân chăm sóc con cho mình, chị nhận làm thêm công việc kế toán cho một vài doanh nghiệp nhỏ. Giờ thì chị có thể phụ thêm ba mẹ tiền nuôi em ăn học, dành dụm cho con mình sau này “được học những gì nó thích”...

Gia đình, người thân là điểm tựa cần thiết vô cùng và trong khi khó khăn lại càng quý giá hơn. Mới đây, chị Thủy gọi điện cho tôi thông báo rằng chị “mừng khi nghe chồng sắp có tổ ấm mới”. Biết được giá trị của gia đình nên chị mong người vợ sau của chồng cũ “cao tay” hơn chị để đưa anh về con đường đúng đắn, sống với trọng trách làm chồng, làm cha... Và chị nói thêm, biết suy nghĩ được thấu đáo như vậy, bỏ hết tất cả những oán hận như vậy cũng nhờ vào vòng tay yêu thương của người thân dành cho mình...

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên