Sự thật về anh Chín Quỳ

Cập nhật: 29-11-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Kiếp ở đợ

Chín Quỳ - một cái tên khá quen thuộc đối với những người đã từng chống Pháp ở chiến khu Đ và cũng là con người gần gũi với anh hùng Huỳnh Văn Nghệ năm xưa. Anh Huỳnh Văn Nghệ được nhân dân mến mộ gọi là “Tám Nghệ” quê ở Tân Tịch, một xã ven sông Đồng Nai, đã từng cung cấp đạn săn cho anh Chín Quỳ - tay thiện xạ bắn thịt rừng nuôi một tiểu đội du kích mấy năm ròng trong rừng rậm.

 Đường vào chiến khu Đ ngày nay thẳng tắp, thênh thang khác hẳn ngày xưa với cây rừng nhiều tầng, nhiều lớp âm u, rậm rạp đến nỗi khi người Mỹ đến đây họ gọi là chiến khu D3 (có nghĩa là chết chóc, hiểm nguy, sâu thẳm). Chính vùng đất này đã ôm chặt vĩnh viễn vào lòng đất mẹ biết bao người con anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho hôm nay, trong đó có anh Trần Văn Quỳ (tức Chín Quỳ). Anh được sinh ra tại ấp Đất Cuốc, thuộc làng Tân Hòa (nay là xã Tân Mỹ) - một làng nằm giữa rừng cách sông Đồng Nai hơn 4km. Nó chỉ là cánh đồng gò quanh năm mát mẻ và yên tĩnh được bao quanh bởi một con suối có tên Suối Sâu, dòng nước trong veo quanh năm chảy suốt. Theo bậc lão niên kể lại rằng các bậc tiền hiền có công khẩn đất tìm nơi ẩn náu làm ăn. Nhưng đất đã phụ lòng người, chẳng bù đắp chút màu mỡ nào cho vùng gò bất hạnh mà chỉ thích nghi với loại cỏ dại có tên “lông heo” nên dân làng gọi là “gò chó ỉa”.

 Rừng chiến khu Đ năm xưa Đó là nơi anh Chín Quỳ chào đời vào năm 1896 và lớn lên chỉ biết dựa vào rừng để mưu sinh. Dân làng chỉ biết đốt rừng làm rẫy, chặt củi đốn cây quanh năm chẳng khác nào đồng bào dân tộc ít người. Mãi đến khi người Pháp đặt ách thống trị lên đất Đồng Nai khai thác tài nguyên rừng bạt ngàn của dân ta, chúng mới xây đồn kiểm lâm Tân Uyên, mở đường đất rải sỏi đá đi vào Đất Cuốc. Từ đó việc đốt rừng làm rẫy bị cấm và cuộc sống của dân làng trở nên nghèo nàn cơ cực. Gia đình nào cũng phải có người đi làm thuê làm mướn ở làng khác để kiếm miếng ăn qua ngày. Hơn 20 gia đình sinh sống vùng “gò chó ỉa” không cất đầu lên nổi, vì vừa đối phó với áp bức bất công, vừa vật lộn với thú dữ hết năm này qua năm khác. Họ phó mặc cho số phận và nhiều người xấu số lần lượt làm mồi cho cọp ở vùng đất thiêng này.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Chín Quỳ chẳng được học hành, trường đâu mà học, lại gặp cảnh cha mất sớm vì cọp giật; chỉ còn bà mẹ bệnh đau suốt năm suốt tháng lại mù lòa. Tai họa ập đến gia đình anh khi mới hơn 10 tuổi đầu phải cùng với người chị ruột đi ở đợ để trả nợ và nuôi mẹ già. Thời gian ở đợ, anh không nề hà việc nặng nhọc, chỉ mong sao mẹ mình yên lòng và khỏi bệnh. Khi về nhà thăm mẹ, anh thổ lộ với bà con đến chăm sóc mẹ mình rằng anh thương chị còn hơn thương thân mình. Vì chị đã lớn tuổi vẫn ở vậy chưa đi lấy chồng, lại rách rưới như nùi giẽ rách, sống chui rúc trong hốc chuồng trâu nhà cai tổng Chi (làng Tân Nhuận) chẳng khác nào con vật. Còn anh suốt ngày trùng trục ngoài đồng chăn đàn trâu của cả Chín (làng Tân Hòa), chiều chiều dẫn trâu về phải gánh nước dọn dẹp trong nhà. Công việc ấy lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, anh trở thành lao động chính và làm được tất cả mọi việc từ trong nhà ra đồng, cả ngoài rừng.

Hơn 10 năm ở đợ, anh hứng chịu mọi sự bạc đãi và lăng mạ của bọn cường hào, ác bá hà hiếp dân nghèo, anh mới nhận ra số phận của mình là phải đốn củi, làm rừng mới yên thân. Anh tâm sự với người thân vì quá thương mẹ, thương chị nên đành chấp nhận kiếp ở đợ để bị vợ chồng chủ nợ chửi mắng suốt ngày.

 Hội diễn văn nghệ “Nghĩa tình chiến khu Đ” Hết kiếp ở đợ, anh xin làm phu khuân vác cho nhà máy xay Mỹ Lộc. Anh rất chăm chỉ làm việc và để ý học lóm sửa chữa máy, làm quen dần cách quán xuyến nhà máy nên được chủ Hai Huỳnh tin cậy gạ kết nghĩa “anh nuôi”. Năm 1935, anh mới nhận ra mình bị Hai Huỳnh lừa, hắn đã âm thầm bán nhà máy xay cho huyện Hứa mà không nói một lời. Không thể chung sống với bọn lừa đảo, anh phải thốt lên rằng cọp không đáng ghét bằng bọn họ. Anh vượt qua sợ hãi và tìm cách cướp súng săn của khách hàng trốn vô rừng chống lại bạo tàn, cũng là lúc nhà máy ngừng chạy. Được tin anh vô rừng, huyện Hứa lập tức cỡi ngựa lên huyện vu cáo: Chín Quỳ là “cộng sản đình công bỏ việc phá hoại nhà máy”. Huyện ra trát truy nã Chín Quỳ khắp nơi. Bà con mỉm cười nhìn trát dán ở gốc cây me đầu cầu Rạch Rớ nói thầm với nhau: cọp giật không nổi Chín Quỳ lúc tay không, đố ai bắt được Chín Quỳ có súng trong tay. Có người chêm vào: “Chín Quỳ vô rừng làm cây lậu thì bọn kiểm lâm chỉ có bó tay”. Thật vậy, anh thuộc lòng rừng Tân Uyên như thuộc lòng bàn tay mình. Từ cầu Tân Lợi, Tân Hòa đến Lạc An, sông Bé, nơi nào cũng in dấu chân, nhát rựa của anh. Khi còn ở đợ, bất cứ trâu bò của ai lạc vào rừng đều do một tay Chín Quỳ dắt về tận nhà giao cho bà con, trừ khi bị con cọp ăn hoặc bị kẻ trộm bắt bán qua làng khác. Bước chân vào rừng, anh cảm nhận như về nhà mẹ mình, ấm áp tình mẫu tử. Vì rừng cho anh tất cả những gì anh muốn mà khỏi phải tranh giành với ai!!! Muốn gỗ quý có gỗ quý, muốn trái ngọt có trái ngọt, muốn lá chua có lá chua, muốn ngủ dưới bóng mát có gốc cổ thụ, muốn nghe chim hót có tiếng chim hót líu lo... Và mỗi lần trầm mình xuống dòng suối trong mát, tiếng nước chảy róc rách làm xua tan khỏi tai anh những lời chửi mắng nhơ bẩn của bọn giàu có bất lương. (Còn tiếp)

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên