Sức bật giáo dục Bình Dương: Đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Cập nhật: 11-11-2014 | 10:24:23

Kỳ 1: Đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Với ý nghĩa đó, tỉnh rất quan tâm đầu tư cho giáo dục. Hàng năm, ngân sách tỉnh chi cho giáo dục chiếm khoảng 22%. Từ sự chăm lo của tỉnh và toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đã có bước phát triển đáng kể. Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn mỗi năm mỗi tăng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, từ đó chất lượng giáo dục tỉnh phát triển bền vững.

Đầu tư cho người thầy

Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các giáo viên có nhiều cống hiến trong ngành. Ảnh: A.SÁNG

Chất lượng người thầy quyết định chất lượng giáo dục. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Muốn vậy, người thầy cần tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhìn nhận, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành. Trong giai đoạn CNH-HĐH, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là việc làm cần thiết được ngành đặt ra. Từ những ý nghĩa đó, năm 2011, ngành đã thực hiện đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh giai đoạn 2011-2015”.

Từ năm 2011 đến nay, công tác đào tạo được ngành GD-ĐT thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt năm học. Sở phối hợp với trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, ĐH Quốc tế Miền Đông và các cơ sở giáo dục khác để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành. Hàng năm, ngành cử hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp đào tạo dài hạn về quản lý giáo dục, chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học.

Bà Võ Thị Thu Thảo, Phó trưởng phòng GD-ĐT Phú Giáo cho biết, để không còn khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn, Phú Giáo rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cho ngành. Hàng năm, phòng chọn cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; cán bộ quản lý tích cực tham gia những lớp tập huấn về công tác quản lý trường học, công tác bồi dưỡng hè, các chương trình dự án, tổ chức trao đổi kinh nghiệm quản lý với đơn vị trường bạn nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trường học; giáo viên tích cực tự nghiên cứu tài liệu, qua đồng nghiệp, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng... thống nhất phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế địa phương. Đến nay đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, có kiến thức chuyên môn vững vàng tạo đà cho sự phát triển cho những năm tiếp theo. Điểm nhấn của công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh, nhằm thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, giai đoạn 2012-2017 trên địa bàn tỉnh”. Hàng năm, sở phối hợp với trường ĐH Quốc tế Miền Đông mở các lớp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho giáo viên tiểu học và THCS. Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã cử 196 giáo viên dạy tiếng Anh THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ châu Âu.

Đào tạo đội ngũ dài hạn, ngắn hạn, ngành còn quan tâm bồi dưỡng thường xuyên hoặc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên. Có thể nói, ngành GD-ĐT luôn quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên từ mầm non đến THPT học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Dương Thế Phương đánh giá, ngoài sự quan tâm chăm lo của ngành, ở từng trường học, ban giám hiệu các trường đã chỉ đạo giáo viên thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học; giáo viên tích cực trao đổi học tập kinh nghiệm giảng dạy, nâng cao năng lực chuyên môn thông qua thao giảng, dự giờ nhằm đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm. Giáo viên tổ chức dạy phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng; đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề; bảo đảm cân đối giữa truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; tăng cường thực hành, liên hệ thực tế. Hiện nay đa số giáo viên đều có thể soạn giảng giáo án điện tử và giảng dạy có ứng dụng công nghệ thông tin.

Giáo viên tự học và sáng tạo

Nghề dạy học là nghề sáng tạo, người thầy có tâm và tận tụy với nghề luôn tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” các thầy cô giáo đã cụ thể hóa qua cuộc vận động “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Từ các hình thức học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người thầy tự kiểm điểm lại bản thân mà tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đạo đức của người thầy chính là ứng xử sư phạm, tác phong mẫu mực trong giao tiếp, tâm huyết với nghề dạy học.

Học tập là suốt đời, làm thầy càng phải học. Ý thức được trách nhiệm với đàn em thân yêu, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã không ngừng tự học, tự rèn để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Ông Tạ Tấn Tuấn, Phó trưởng phòng GD-ĐT Dầu Tiếng nói, ngành luôn khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học nhằm đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và chuẩn cán bộ quản lý. Đội ngũ nhà giáo không ngừng học tập để nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay.

Nghề dạy học là nghề sáng tạo, do đó nhà giáo phải luôn tìm kiếm cái mới phù hợp và cách thức để phát huy sự sáng tạo của học sinh. Đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã sáng tạo trong vận dụng tri thức, công nghệ mới vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm cũng là một hình thức sáng tạo. Những năm gần đây ngành khuyến khích giáo viên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khoa học sư phạm ứng dụng, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục. 

Ông DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, Giám đốc Sở GD-ĐT: Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển GD-ĐT, ngành đã xây dựng đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ năm 2011 đến 2015”. Mục tiêu trọng tâm của ngành là đổi mới công tác quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời kỳ CNH-HĐH. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Dù đề án chưa kết thúc giai đoạn, nhưng chất lượng cũng đã có những chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu về đào tạo bồi dưỡng đều tăng. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên tăng đáng kể. Đa số nhà giáo và cán bộ quản lý đều tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và có quyết tâm tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực và trình độ.

Kỳ 2: Cơ sở vật chất từng bước hiện đại, chuẩn hóa

 

HỒNG THÁI - NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X