Sức bật giáo dục ở vùng nông thôn

Cập nhật: 29-07-2019 | 08:37:54

Nhắc đến 4 trường THPT chúng tôi nêu dưới đây, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cho rằng đây là những trường nằm ở “vũng trũng” chất lượng, vậy mà sau 3 năm thầy cô dày công dạy dỗ, cùng với tinh thần hiếu học của trò, chất lượng giáo dục đã được khẳng định. Năm học 2018- 2019, cả 4 ngôi trường đều có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Giáo viên trường THPT Phan Bội Châu (Dầu Tiếng) luôn tận tâm với học trò

Siết chặt nề nếp học tập

4 trường THPT chúng tôi muốn nhắc đến là Thường Tân và Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên), Phan Bội Châu, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng). Đây là những trường ở vùng nông thôn của tỉnh, điều kiện dạy và học vẫn còn những khó khăn so với các trường khác ở vùng thị tứ. Tuy nhiên, những trường này nhiều năm đạt tỷ lệ 100% học sinh (HS) tốt nghiệp THPT. Ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, sự thay đổi trong cách tính điểm thi để xét tốt nghiệp, với tỷ lệ 70% là điểm thi, 30% là kết quả học tập, ban giám hiệu các trường không dám nghĩ đến kết quả 100% HS tốt nghiệp như các năm trước. Và điểm chung ở những trường ấy là điểm đầu vào lớp 10 hàng năm luôn thấp hơn các trường khác trong khu vực. Do đó, để có được kết quả này, cán bộ quản lý đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, nhất là siết chặt nề nếp học tập của HS.

Các trường THPT nêu trên có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 thấp, nhưng đầu ra rất khả quan, vượt một số trường ở vùng thị tứ, ngành ghi nhận nỗ lực của thầy trò, đặc biệt là vai trò quản lý của ban giám hiệu. Kết quả này là sự chung sức, chung lòng của tập thể sư phạm nhà trường đã duy trì được nề nếp quản lý, giảng dạy, HS phát huy được truyền thống hiếu học vốn có của dân tộc”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)


 

Cô Mai Thị Yến Dung, Phó hiệu trưởng trường THPT Long Hòa, cho biết trường thực hiện biện pháp mạnh nhằm bảo đảm các em đến lớp đầy đủ, không để bị hổng kiến thức, nhất là trong giai đoạn tổ chức ôn thi THPT quốc gia cho HS. Trong thời gian ôn tập, những em nghỉ học 3 - 4 buổi nhà trường liên hệ trực tiếp với phụ huynh để cùng phối hợp quản lý nề nếp học tập của các em. Lo cho tương lai của học trò, từng giáo viên bộ môn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Ở từng buổi học, thầy cô có phiếu điểm danh HS, đến cuối tuần gửi về cho hiệu trưởng. Những em nghỉ học được hiệu trưởng mời đến làm việc và cam kết đến lớp ôn tập đầy đủ. Nhờ thực hiện biện pháp mạnh, 108 HS lớp 12 đã đến lớp đầy đủ.

Với trường THPT Lê Lợi, theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tùng Oanh, nhà trường cũng theo sát tình hình học tập của HS, điểm danh từng buổi học, những em vắng mặt nhà trường lập tức báo về gia đình, xử lý HS vi phạm nội quy ôn tập. Siết chặt nề nếp nhưng thầy cô luôn gần gũi, động viên tinh thần để những em học trung bình hoặc yếu siêng năng đến lớp. Đối với giáo viên, các tổ chuyên môn tổ chức dự giờ, kiểm tra nội dung bài dạy để hỗ trợ giáo viên bộ môn nâng cao tay nghề. Thầy cô thực hiện nội dung ôn tập theo kế hoạch, bám chắc vào từng đối tượng HS để có nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp.

Trường THPT Phan Bội Châu đã có thành tích 6 năm có tỷ lệ HS tốt nghiệp 100%. Con số này đã phản ánh hiện thực sự tận tâm, tận lực từ ban giám hiệu đến giáo viên bộ môn. Theo kinh nghiệm của nhà trường, ngoài quản lý nề nếp học tập của HS, trường còn siết chặt chuyên môn của giáo viên qua kết quả học tập của học trò. Cô Bùi Thị Phượng, Phó hiệu trưởng chia sẻ, qua một học kỳ, từng giáo viên nhìn lại kết quả học tập của HS, sau đó đưa ra giải pháp khắc phục, điều chỉnh phương pháp giảng dạy trong học kỳ II, cũng như giai đoạn ôn tập nước rút trong 8 tuần cho HS.

Thầy tận tâm, tận lực với học trò

Đồng hành với HS trong suốt chặng đường học tập, đó là điểm chung các trường đã thực hiện trong suốt năm học. Ở trường THPT Thường Tân, thầy cô tận tâm, tổ chức ôn tập cho HS đến cận ngày thi. Ngoài tổ chức các buổi ôn tập chung, giáo viên còn kèm thêm HS trong các buổi mà các em học nhóm, ôn ngoài kế hoạch của nhà trường. Cô Đoàn Thị Ngọc Diệp, Hiệu trưởng cho hay, thầy cô thực hiện thời khóa biểu linh hoạt, nhằm tạo mọi điều kiện cho HS được tham gia lớp ôn tập.

Ở trường THPT Long Hòa, thầy cô rất tận tình với HS. Với việc các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm, thầy cô phải thường xuyên rèn luyện HS kỹ năng làm bài. Trong năm học, có những thầy cô nhiều lần bỏ tiền photo tài liệu phát cho HS luyện tập. Cảm động hơn, thầy Nguyễn Quý Tiến dạy môn vật lý, cô Nguyễn Thị Hạ Uyên dạy môn hóa học, còn chủ động gọi những HS học yếu đến trường để kèm cặp thêm, ngoài giờ các em học phụ đạo do trường tổ chức. Ở trường THPT Phan Bội Châu, tiếp sức cho các em đến trường, mỗi năm trường thực hiện 3 đợt trao học bổng cho HS nghèo hiếu học. Năm học vừa qua có 2 trường hợp HS khó khăn, nhà trường đã miễn tiền dạy phụ đạo và giảm 50% học phí cho các em trong suốt năm học.

Đẹp thay hình ảnh người thầy hết lòng vì đàn em thân yêu. Em Mai Thị Anh Thi, HS trường THPT Lê Lợi, tâm sự: “Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS tổ chức xe đưa đón các em đến các điểm thi ở trường THPT Huỳnh Văn Nghệ và trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên). Các thầy cô còn đồng hành với các em trong suốt 3 ngày thi. Đối với 15 bạn có hoàn cảnh khó khăn, trường còn hỗ trợ mỗi bạn 200.000 đồng. Sự động viên về tinh thần của các thầy cô trên quãng đường học tập, sẽ luôn khắc ghi mãi trong ký ức của tuổi học trò chúng em”.

Với truyền thống hiếu học của dân tộc, cùng với sự tận tâm, tận tụy của thầy cô, HS ở các trường THPT chúng tôi nêu trên đã thêm một lần nữa khẳng định kết quả học tập qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Với trường THPT Thường Tân, có 7/9 môn thi đạt điểm trung bình môn trên tỷ lệ chung của tỉnh. Đặc biệt, ở môn toán xếp hạng thứ 3 trong số các trường THPT, với 96,55% HS đạt điểm trên trung bình. Còn ở trường THPT Lê Lợi, có 4 môn thi đạt trên tỷ lệ chung của tỉnh. Với trường THPT Phan Bội Châu, môn vật lý đứng đầu tỉnh về tỷ lệ HS đạt điểm trên trung bình.

Không chỉ đạt những thành tích đáng ghi nhận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, HS các trường này còn đạt giải trong các cuộc thi HS giỏi về văn hóa và các hoạt động phong trào. Cụ thể, trường THPT Long Hòa năm học vừa qua có 1 HS đạt giải ba và 2 em đạt giải khuyến khích trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Tại trường THPT Lê Lợi, có 1 HS đạt giải nhì HS giỏi văn giải thưởng Sao Khuê cấp tỉnh; các cuộc thi vẽ tranh, an toàn giao thông, hội thao giáo dục quốc phòng, trường cũng có nhiều HS đạt giải thưởng.

HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X