Sức bật nông thôn mới

Cập nhật: 06-12-2019 | 08:47:10

Qua gần 10 năm (2010- 2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tỉnh nhà đã có nhiều đổi thay. Kết quả nổi bật, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn trong tỉnh được đầu tư ngày một hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày một nâng cao.

Người dân xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng góp sức nâng cấp một tuyến đường giao thông nông thôn. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Hướng đi vững chắc

Kể từ khi xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) được công nhận xã đạt chuẩn NTM, kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trong xã có nhiều khởi sắc. Một trong những kết quả nổi bật là xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2012 thu nhập bình quân của xã là 22 triệu đồng/ người thì đến năm 2018 đã đạt 55 triệu đồng/người.

Ông Nguyễn Thành Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao đời sống và diện mạo của xã. Đến nay, kết cấu hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư nâng cấp; các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt… Đặc biệt, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Do đó, trên nền tảng kết quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí, phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình để chương trình xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực hơn, phục vụ tốt đời sống cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn ở vùng nông thôn của tỉnh.

Xã Thanh An là một trong địa phương đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đều đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ngay từ giai đoạn đầu 2010- 2015, tỉnh đã xác định thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM cũng như lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong giai đoạn 2010-2019, tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM của tỉnh là trên 25.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 12.750 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 3.890 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư 4.564 tỷ đồng, vốn tín dụng 3.670 tỷ đồng, vốn thực hiện chính sách gần 120 tỷ đồng.

Đến nay, hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng tại khu vực nông thôn trong tỉnh như hệ thống điện, giao thông, trường học... đều có bước phát triển đáng kể. 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, thiết chế văn hóa 100% đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,99%...

Có thể khẳng định, chính từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, quyết tâm chú t r ọ n g đến chất lượng xây dựng NTM nên chương trình NTM của tỉnh đã có những bước đi đúng hướng, vững chắc. “Quả ngọt” từ chương trình xây dựng NTM là đến nay đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM đạt 58 triệu đồng/ người; tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều mới của tỉnh còn 1,62%.

Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Song song với quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp c h ế b i ế n các sản phẩm nông sản. Qua đó, tỉnh đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Kết quả, đến nay trên địa bàn tỉnh có 167 hợp tác xã, trong đó có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Tỉnh cũng thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách như nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, trường học... song song với việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông, cây xanh, cảnh quan môi trường trong các khu dân cư nông thôn để xây dựng môi trường sống văn minh, xanh, sạch, đẹp trong thời gian tới.

Có thể thấy, tỉnh xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học, hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng của tỉnh phát triển kết nối đồng bộ trong vùng Đông Nam bộ và với đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế các vùng, miền.

Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh tiếp tục xây dựng xã NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu nhằm không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trong năm 2019, tỉnh có 5 - 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; có thêm 2 huyện đạt NTM, nâng tổng số đạt chuẩn NTM lên 5 huyện, thị. Đến năm 2020, có 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

THOẠI PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên