Sức ép thị trường cuối năm: Cố gắng bình ổn giá!

Cập nhật: 11-10-2010 | 00:00:00

Căng thẳng bình ổn thị trường

Theo nhận định của các bộ ngành, cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm ở 12 mặt hàng trọng điểm trong đó lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, xi măng, thép, xăng dầu thuốc chữa bệnh... đều bảo đảm cung cầu cho người dân vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân trong đó không loại trừ yếu tố tâm lý cụ thể như tháng 6-2010, giá thép cao và dồn dập, có DN tăng đến 8 lần với mức tăng trên 20% cho dù nguồn cung bảo đảm. Hay sự việc vào tháng 8-2010, có thương nhân nước ngoài mua lúa gạo giá cao để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã đẩy cơn sốt ảo giá lúa gạo. Thực trạng này cho thấy các ngành vẫn cần tăng cường thanh tra kiểm tra và gắn trách nhiệm của DN đang nắm thị phần chi phối với việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa.

  Ngành công thương sẽ tiếp tục thực hện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường

Theo ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội, bên cạnh cân đối cung cầu, tác động tâm lý vẫn còn một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng như tỷ giá, lãi suất cho vay còn cao. Chính vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất, các ngành, tổ chức tín dụng nên nghiên cứu lại lãi suất cho vay. Thực tế với nguồn vốn trung và dài hạn, DN đã phải vay với lãi suất 16 - 17%/năm, do đó nhiều DN đã không đầu tư sản xuất, thay vào đó vay vốn ngân hàng rồi cho vay lại, gây mất ổn định tình hình cung cầu vốn, thiếu hụt hàng hóa. Tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng hiện quá cao, trong khi DN gặp rất nhiều khó khăn để duy trì sản xuất.

Nhận định của các thành viên Chính phủ và các DN, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, 3 tháng còn lại của năm 2010, thị trường hàng hóa sẽ có nhiều biến động, nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ ra 4 nguyên nhân khiến tình hình giá cả có thể tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Minh cho rằng, tình hình giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng trở lại do quy luật thị trường, nhất là mua sắm vào dịp cuối năm, lễ, tết. Ngoài ra, trong nước cũng do điều chỉnh giá một số mặt hàng sinh hoạt như điện, nước, xăng. Bên cạnh đó là các yếu tố thời tiết bất lợi như thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi và tình trạng thiếu điện sản xuất... Vì vậy, ngoài việc tổ chức các chương trình bình ổn giá, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, để bảo đảm được các chỉ tiêu tăng trưởng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần can thiệp để ổn định giá xăng dầu từ nay đến cuối năm nhằm giảm áp lực tăng giá đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, Tết Dương lịch và  Nguyên đán 2011 gần nhau và việc gối đầu cho sản xuất năm 2011 và sẽ gây sức ép về sản xuất hàng hóa cho toàn ngành. Do đó thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ là thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2010 khoảng 8%, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả trong những tháng cuối năm của ngành công thương được nhìn nhận sẽ còn nặng nề.

Chủ động đối phó

Chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương, DN sản xuất, DN phân phối trong công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường trong thời gian qua. Đồng thời Phó Thủ tướng nhận định, trong 3 tháng cuối năm, xu thế giá thế giới sẽ tăng, trong nước thiên tai, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Do vậy, ngay từ bây giờ các địa phương cần rà soát và cân đối nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp tết sắp tới, nhất là mặt hàng heo hơi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thịt heo, làm tăng giá đột biến. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu các các địa phương cần tập trung rà soát các mặt hàng trọng điểm, chủ động có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu không để xảy ra thiếu hàng cục bộ. Yêu cầu Bộ Công Thương từng bước quy hoạch hệ thống phân phối ở các địa phương. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các ngành, các địa phương và các DN về khả năng thiếu điện dễ xảy ra vào cuối năm, tác động lên cân đối cung cầu hàng hóa. Hiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng đã tăng 6,46%, 3 tháng còn lại CPI chỉ có thể tăng thêm 1,54%. Nếu chúng ta không nỗ lực tìm mọi biện pháp để bình ổn giá hàng hóa có hiệu quả thì sẽ rất khó bảo đảm các chỉ tiêu đề ra là kiềm chế lạm phát trong thời gian từ nay đến cuối năm từ mức 7% như chỉ tiêu Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận.

TRÚC HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên