Nước biển toàn cầu đang bị axit hóa do hoạt động của con người - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Reuters, IPSO cho biết các đại dương đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau. Chúng đang nóng lên do hiện tượng biến đổi khí hậu khiến băng tan, dẫn tới sự thay đổi các lớp nước, làm mức độ oxy giảm đi.
Các đại dương lại bị axit hóa do hấp thu nhiều khí CO2, bị ô nhiễm nặng nề do nước thải công nghiệp và nông nghiệp. Con người lại đang khai thác hải sản quá mức cho phép. IPSO khẳng định bộ ba nguy hiểm nóng lên, giảm oxy và axit hóa sẽ hủy diệt các loài sinh vật biển.
Năm ngoái, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng phát hiện 70% lượng cá trên toàn cầu đang bị khai thác một cách không bền vững.
“Chúng ta đang lạm dụng các đại dương. Chúng đã bảo vệ chúng ta trước những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, nhưng chúng đang nóng lên. Các nhà hoạch định chính sách đang ngó lơ tình hình nghiêm trọng này” - IPSO nhấn mạnh.
Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước đạt thỏa thuận giảm xả khí thải CO2 đang khiến nước biển bị axit hóa và áp dụng chính sách khai thác cá một cách bền vững. IPSO cho rằng cần phải thiết lập một tổ chức giám sát toàn cầu để bảo vệ các đại dương.
Theo TTO