Sức khỏe sinh sản vị thành niên cần được quan tâm

Cập nhật: 16-12-2014 | 08:57:10

Tuổi dậy thì ngày một thấp hơn ở bé trai và bé gái khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sức khỏe sinh sản của con em mình. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe về vấn đề này.

 Một cảnh trong vở kịch tuyên truyền về giới tính, bệnh lây truyền qua đường tình dục Ảnh: Q.NHƯ

- Thưa BS, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản của trẻ vị thành niên (VTN), thanh niên như thế nào?

- Tuổi VTN là lứa tuổi mà cả nam và nữ trong quãng tuổi từ 10 - 19. Tuổi VTN được chia ra 3 nhóm từ 10 - 13 tuổi là giai đoạn đầu VTN; từ 14 - 16 tuổi là giai đoạn giữa VTN và từ 17 - 19 tuổi là giai đoạn cuối VTN. Đây là tuổi không còn là trẻ con nhưng chưa thành người lớn. Trước sự thay đổi về cơ thể và tâm sinh lý có thể sẽ cảm thấy bối rối, cần thêm sự giúp đỡ của mọi người, muốn có ai đó để tâm sự, được giải thích và được hướng dẫn. Hình thức các em cần tìm hiểu là qua điện thoại hơn qua internet, hoặc trực tiếp nhưng ngại đến cơ sở có chuyên môn kỹ thuật. Nội dung các em hay tìm hiểu là tránh thai nhất là tránh thai khẩn cấp, giải quyết hậu quả (nữ); bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS (nam).

- Đối với trẻ VTN, có những biến đổi về thể chất và tâm sinh lý như thế nào thưa BS?

- Bước vào tuổi này, vóc dáng thay đổi. Có bạn thấy mình lớn lên từng ngày. Chiều cao tăng 9 - 10cm/năm. Các bạn gái da trở nên mịn màng, ngực nở nhô cao, hông nở rộng hơn, vòng eo thu hẹp lại, khiến cho cơ thể phân biệt rõ 3 vòng eo - ngực - hông, giọng nói trong trẻo như chim hót. Các bạn nam trông cao bổng lên, vai nở ra, bụng và hông thon lại, cục yết hầu ở cổ nổi rõ, giọng nói vỡ ra và trầm xuống, khàn khàn. Ria mép bắt đầu mọc lún phún. Mụn xuất hiện cả 2 giới…

Cần chú ý đến tâm sinh lý vì đây là giai đoạn các em thấy luôn trong trạng thái lo âu, sợ hãi về những biến đổi hình dáng, sinh dục… Muốn tỏ ra mình là người lớn, muốn gây uy tín, thể hiện năng lực và tính độc lập. Tò mò muốn biết mọi điều, thử làm mọi chuyện như người lớn.

- Thưa BS, các nguy cơ về sức khỏe sinh sản khi có sự biến đổi thể chất và tâm sinh lý và cần làm gì để tránh tác hại cho bản thân?

- Các em có thể trầm cảm, muốn tự tử, bạo lực, chán ăn hoặc ăn nhiều, dễ nghiện ma túy, rượu. Dễ mang thai ngoài ý muốn vì chưa hiểu biết về giới tính, dễ nhiễm khuẩn lây lan qua đường tình dục… Để tránh tác hại, các em cần biết lắng nghe và chia sẻ với cha mẹ, bạn bè những băn khoăn, lo lắng, những khó khăn gặp phải về sinh lý, tâm lý ở tuổi dậy thì, tuổi VTN. Không nên xấu hổ, giấu giếm khi lần đầu tiên hành kinh (với nữ) và có hiện tượng mộng tinh (với nam) mà cần phải chia sẻ cùng người thân của mình. Khi có bất thường trong cơ thể nên tìm đến sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Tìm hiểu, thông tin và kiến thức về sự phát triển thể chất, sinh lý, tâm lý, xúc cảm tình dục ở tuổi dậy thì, cách chăm sóc cơ thể. Tôn trọng và gìn giữ tình bạn khác giới. Luôn tỉnh táo, đừng để bản năng tự nhiên và ham muốn nhất thời chi phối hành động. Phải biết nói không khi cần thiết để tự bảo vệ mình. Rèn luyện và chia sẻ kỹ năng ứng xử có trách nhiệm với bạn khác giới. Phòng tránh xâm hại tình dục thông qua các buổi sinh hoạt, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu, thi giao lưu về sức khỏe VTN… được tổ chức trong trường học hay trên địa bàn dân cư. Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội chính là cơ hội để giúp mình khắc phục tính nhút nhát, giúp mình tự tin hơn, hòa đồng hơn trong cuộc sống tập thể…

- Xin cảm ơn BS!

 

QUỲNH NHƯ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên