Sức mua giảm, giá hàng hóa hạ nhiệt

Cập nhật: 14-05-2011 | 00:00:00

Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội như: Big C, FiviMart, Hapro… giá nhiều mặt hàng như đường, trứng, rau củ quả đã ổn định và giảm nhiệt. Ví dụ như tại Big C Thăng Long, hơn 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống như trái cây, rau củ quả, thịt gà, thực phẩm chế biến sẵn… giảm từ 5 - 50% so với cuối tháng 4.

Bà Loan (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Mấy hôm nay đi chợ tôi thấy đã dễ mua hơn, giá cả một số mặt hàng cũng có biểu hiện giảm nhẹ. Tôi cũng hay vào siêu thị để mua hàng, vì giá cả ở đây khá bình ổn, lại hay có chương trình giảm giá, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được đáng kể chi phí đi chợ hàng ngày”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá cả hàng hóa có dấu hiệu giảm nhiệt là do cung hàng hóa khá dồi dào. Thời điểm giá nhiều mặt hàng tăng nóng trong tháng 4, người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, thắt chặt chi tiêu đã khiến sức mua giảm hẳn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới tiểu thương giảm giá hàng hóa, kích cầu người tiêu dùng.

Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 vẫn sẽ tăng, nhưng có xu hướng chậm lại. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai sớm phương án ứng vốn không lãi suất, hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu của chương trình bình ổn này chiếm khoảng 20 - 30% nhu cầu thị trường, có tác động kéo mặt bằng giá thị trường chung không tăng quá cao.

Tại TPHCM, Sở Công Thương đã có cuộc họp triển khai chương trình bình ổn giá sữa và đồ dùng phục vụ mùa khai giảng năm học 2011 - 2012. Cuộc họp đã đưa đến thống nhất: Một số dòng sữa bột dành cho trẻ em dưới 1 tuổi và dành cho người già sẽ được bán theo giá bình ổn, giữ giá cố định từ nay đến hết năm 2011.

Tính toán của Sở Công Thương TPHCM cho biết, tổng lượng sữa bột của hai doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá (là Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk và Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm - Nutifood) sẽ từ 6.000 - 6.300 tấn, chiếm 30 - 35% lượng sữa bột tiêu thụ trên toàn thành phố…

Còn nhớ, trong đợt sốt giá cuối tháng 4, trước đề nghị tăng giá bất hợp lý của các nhà cung cấp, một số siêu thị tại Hà Nội và TPHCM đã “đồng lòng” nói không với nhà cung cấp, bảo vệ người tiêu dùng. Đi đầu trong việc nói không với hàng hoá bị tăng giá quá mức là Big C. Tiếp theo phản ứng của chuỗi siêu thị Big C không chấp nhận mức giá tăng cao của các nhà cung cấp, nhiều đơn vị đã ngừng cung cấp hàng vào siêu thị khiến nhiều mặt hàng hàng hoá trở nên khan hiếm vào thời điểm cuối tháng 4.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhấn mạnh: Để bảo vệ người tiêu dùng và chính thương hiệu của mình, các siêu thị phải tỏ rõ thái độ đối với các nhà cung cấp, không phải chỉ chạy theo lợi nhuận mà xem thường quyền lợi của người tiêu dùng. Và ngày 27/4 vừa qua, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã có công văn gửi các công ty quản lý vận hành chuỗi siêu thị lớn yêu cầu cần có thái độ đối với các nhà cung cấp đã tăng giá bất hợp lý.

Theo đó, các siêu thị đã bày tỏ thái độ của mình với các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá bất hợp lý, đồng thời tìm nhà cung cấp thay thế. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C, cho hay: Với những nhà cung cấp cố tình không cung cấp hàng cho siêu thị, chúng tôi đã đàm phán với các nhà cung cấp khác để đảm bảo lượng hàng hoá cho tiêu dùng. Hiện tại, đa số nhà cung cấp đã cung cấp hàng hóa trở lại cho Big C với mức giá “mềm” hơn trước…

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên