Tái chế đi đôi với thu gom

Cập nhật: 23-06-2011 | 00:00:00

Ô nhiễm môi trường từ các sản phẩm nhựa đang là vấn đề căn cơ nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu. Công tác thu gom phế liệu vẫn chưa hữu hiệu, ngành tái chế nhựa vẫn còn lạc hậu. Tuy nhiên, thu gom và tái chế phế liệu nhựa nếu triển khai đồng bộ chẳng những giải quyết được ô nhiễm môi trường còn nâng cao cạnh tranh cho ngành nhựa.

Ngày nào cũng thế, cứ sáng sớm vừa thức dậy công việc đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hằng, ấp An Hòa, xã Hòa Lợi (Bến Cát) là đi chơ. Hễ mua một món hàng là tiểu thương “tặng” miễn phí cho một túi nylon để đựng. Thịt, cá, rau cải... mỗi thứ một túi. Tính ra hàng ngày, chị xách từ chợ về hơn chục túi. Thức ăn chế biến xong, các túi này được thải bỏ. Gia đình chị Hằng không lo lắng vì những túi nylon này có đội thu gom rác thải “tính”. Đó là chưa kể những người sau khi sử dụng lại vứt ra đường và ảnh hưởng đến môi sinh.

  Người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi nylonĐề cập đến vấn đề tái chế phế liệu nhựa, ông Nguyên Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết Bình Dương hiện có hơn 100 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm từ nhựa, nhưng số DN tái chế nhựa không nhiều, công nghệ tái chế lạc hậu, thiên về thủ công, phát triển không định hướng, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm tái chế thấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi cao của nhà sản xuất và tiêu dùng. Thêm vào đó, nguồn cung cấp phế liệu hiện nay từ các cơ sở tái chế không ổn định cả về số lượng và chất lượng do phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất của DN cũng như sinh hoạt của người dân. Chính sự phụ thuộc này làm cho ngành tái chế chất thải nói chung và ngành tái chế nhựa nói riêng khó lên kế hoạch sản xuất cụ thể và không dám mở rộng cơ sở tái chế, làm kìm hãm ngành tái chế. Ngành tái chế nhựa muốn phát triển cũng đòi hỏi rác thải từ nhựa phải nâng cao hiệu quả thu gom.

Tại buổi hội thảo “Thu gom và xử lý phế liệu nhựa” do Sở Công Thương và Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam - Vinaplast tổ chức mới đây, Tiến sĩ Phạm Ngọc Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng chất dẻo và Đào tạo, Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam, chia sẻ:hệ thống thu mua phân loại phế liệu nhựa hiện có một số hạn chế như không đáp ứng nhu cầu cao về số lượng, chất lượng phế liệu nhựa, giá không ổn định, vấn đề môi trường chưa được quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của hệ thống thu mua bởi nó tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động có trình độ thấp. Ngược lại có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bằng cách tăng cường kết nối các thành phần trong hệ thống, tổ chức điều phối hỗ trợ và kiểm soát các hoạt động thu mua, phân loại phế liệu nhựa hiện hữu; gắn kết với hoạt động thu gom là xây dựng hệ thống thu gom phế liệu nhựa với các điểm thu gom tại các khu vực công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư...

Tại các điểm này sẽ có các thùng chứa phân loại chất thải, có thùng chứa riêng cho phế liệu nhựa, có bảng hướng dẫn phân loại chất thải rắn và phế liệu nhựa. Dĩ nhiên, các điểm thu gom phế liệu nhựa này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức người dân. Vì vậy, phải tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa... Bên cạnh đo cần có quy định về việc dán nhãn, phân loại bao bì nhựa, sản phẩm nhựa. Các nhà sản xuất bao bì nhựa bắt buộc phải dán nhãn phân loại bao bì nhựa có thể tái chế và không thể tái chế. Qua đó, người dân dễ dàng nhận dạng các loại bao bì, sản phẩm nhựa có thể tái chế để phân loại riêng khi thải bỏ. Nhà nước cũng cần có quy định bắt buộc tất cả các hộ dân, các đơn vị phải phân loại rác tại nhà trước khi thải bỏ. Như chất rắn có thể phân thành 4 loại: chất rắn có thể tái chế, rác thực phẩm chất thải không thể tái chế, chất thải nguy hại. Với chất thải không thể tái chế và chất thải nguy hại người dân phải trả phí thu gom nhưng với chất thải rắn có thể tái chế sẽ được cung cấp thùng chứa và được thu gom miễn phí.

Thực hiện được các giải pháp đó, chúng ta mới có thể tạo điều kiện cho ngành tái chế có điều kiện mở rộng cũng như giảm ô nhiễm môi trường từ các sản phẩm nhựa.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên