Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển

Cập nhật: 28-10-2020 | 07:55:33

 Cùng với thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, thời gian tới Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới bền vững.

 Mô hình trồng rau công nghệ cao tại huyện Phú Giáo

 Tái cơ cấu gắn với phát triển đô thị

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa, từng bước ổn định đời sống người dân và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Theo đó, Sở NN&PTNT vừa triển khai 2 dự án “Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương” và “Xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”. Đồng thời, sở tiếp tục duy trì và phát triển các dự án trong đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương mà UBND tỉnh đã phê duyệt trước đó. Nhiều hộ dân khu vực đô thị cũng đã bắt tay làm kinh tế với việc trồng các loại cây có giá trị cao như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh… Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến tháng 10-2020, diện tích nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh là 158ha, tăng 21% so với năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, 2 đề án phát triển nông nghiệp vùng phía Nam tỉnh Bình Dương vừa được triển khai cũng nằm trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển đô thị bền vững. Với tổng kinh phí được đầu tư lên đến 12,78 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước chiếm 7,83 tỷ còn lại 4,95 tỷ là vốn tự thân của người dân), Sở NN&PTNT sẽ lựa chọn 30 mô hình để hỗ trợ phát triển trong 2 năm 2020 và 2021. Trong thời gian này, sở sẽ hỗ trợ các nông hộ vật tư nông nghiệp, giám sát thực hiện mô hình, nghiệm thu và sau đó sẽ hỗ trợ những hộ thí điểm trong việc làm thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn nông sản sạch chuẩn VietGAP.

Xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những hoạt động xây dựng nông nghiệp gắn với phát triển đô thị bền vững ở khu vực phía Nam tỉnh, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu; tái định hướng cho những người nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với vùng nông nghiệp truyền thống các huyện phía Bắc của tỉnh, tỉnh đã có chỉ đạo về việc tập trung cơ cấu lại các sản phẩm nông sản chủ lực như: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng chuyên canh gắn với đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó có dự án “Phát triển vùng canh tác hồ tiêu công nghệ cao huyện Phú Giáo” với 2 giống hồ tiêu được đánh giá qua thực nghiệm là phù hợp với vùng đất Phú Giáo. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho đối tượng cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế trong sản xuất như: Cây có múi, cây chuối, dưa lưới... nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị trên đơn vị sản xuất.

Việc xây dựng vùng cây chủ lực sẽ yêu cầu đầu tư lớn về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và hình thành chuỗi sản phẩm mới mong tạo nên thương hiệu nông sản Bình Dương có sức cạnh tranh. Hiện ngành trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ của tỉnh đã có những sự phát triển đáng kể về quy mô và chất lượng sản phẩm, qua đó giúp bà con nông dân nâng cao mức thu nhập, đồng thời hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, đến nay, năng suất bình quân các loại cây ăn trái của tỉnh như sau: Cam 30 - 40 tấn/ha/ năm; bưởi da xanh 20 - 25 tấn/ha/năm, dưa lưới 35 - 40 tấn/ha/vụ, chuối già hương 50 - 60 tấn/ha/năm.

Cùng với những quy hoạch đồng bộ về vùng trồng trọt, hiện tỉnh đang có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo cùng 60 hợp tác xã, hàng ngàn trang trại tổng hợp khác đang ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Sở NN&PTNT vừa triển khai 2 dự án “Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương” và “Xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”; đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các dự án trong đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương mà UBND tỉnh đã phê duyệt trước đó. Nhiều hộ dân khu vực đô thị cũng đã bắt tay làm kinh tế với việc trồng các loại cây có giá trị cao như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh…  

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên