Tái đàn có kiểm soát, bảo đảm đủ nguồn cung thịt heo an toàn

Cập nhật: 15-11-2019 | 08:24:20

Sau gần 6 tháng kể từ khi xuất hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đầu tiên vào ngày 20-5, đến nay Bình Dương cơ bản đã khống chế được bệnh DTHCP. Nhiều địa phương trong tỉnh đã qua thời gian 30 ngày không phát sinh ổ dịch và công bố hết dịch. Tại một số trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đã tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên thị trường vào dịp cuối năm.

Trang trại chăn nuôi heo Anh Khoa (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Thận trọng khi tái đàn

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh DTHCP và có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.371 hộ/trại chăn nuôi tại 83 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 86.281 con. Tỷ lệ tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo thống kê trên toàn tỉnh ước tính là 13,03%.

Phú Giáo là huyện đầu tiên trong tỉnh phát sinh ổ dịch. Sau nhiều tháng nỗ lực và bằng nhiều biện pháp ngăn chặn, đến nay huyện đã cơ bản khống chế được bệnh dịch. Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú ý huyện, cho biết địa phương luôn chủ động và khẩn trương trong công tác phòng chống bệnh DTHCP. Hiện tình hình dịch trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát; đã có 3 xã công bố hết dịch. Trạm đang lập tờ trình lên cấp trên thẩm định điều kiện công bố hết dịch đối với các xã còn lại vì đã qua nhiều ngày không có bệnh dịch phát sinh trở lại.

Trước tình hình giá heo hơi đang tăng cao trong những ngày qua, mong muốn tái đàn heo là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi nhằm ổn định chăn nuôi ở địa phương. Tuy nhiên, huyện chỉ khuyến khích người dân tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, tránh tái đàn ồ ạt, do bệnh DTHCP đang còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn lưu hành, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra, người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn.

Anh Nguyễn Văn Trinh, chủ trang trại heo Kim Linh (xã An Linh, huyện Phú Giáo), cho biết dù không gây thiệt hại do bệnh DTHCP nhưng anh vẫn e ngại việc tái đàn. Hiện trang trại có trên 2.000 con heo, anh đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi… Trong thời gian tới, anh sẽ nâng số đàn heo lên nhằm ổn định chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, hiện đã có 52 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch bệnh DTHCP mới. Vì vậy, việc tái đàn heo là có thể nếu các địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học. Dù bệnh DTHCP đã cơ bản được kiểm soát nhưng các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền vi-rút từ môi trường vào đàn heo giống mới nuôi.

Đủ nguồn cung thịt heo an toàn

Ghi nhận cho thấy, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh được các thương lái mua với mức từ 68.500 - 71.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm 2 tháng trước.

Lý giải vấn đề này, các mối buôn cho biết nguồn cung giảm do ảnh hưởng từ bệnh DTHCP, trong khi đó người chăn nuôi không dám tái đàn nên số lượng đàn heo giảm mạnh khiến giá heo hơi, heo thịt tăng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thịt heo tăng cao, nên khiến giá heo hơi tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp đã tiêu thụ thịt heo trở lại sau khi được các cơ quan chức năng khẳng định tình hình bệnh DTHCP được kiểm soát chặt, thịt heo an toàn.

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, hiện các mặt hàng thịt heo giá đều tăng từ 15 - 25% so với mức thấp nhất tháng trước. Cụ thể, thịt ba chỉ giá từ 120.000 -160.500 đồng/kg tùy loại, thịt nạc đùi giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, chân giò từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, sườn non từ 180.000- 220.000 đồng/kg...

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết nguồn thịt heo an toàn vẫn bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tổng số đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện còn trên 600.000 con. Ngành chức năng đã có kế hoạch, vận động tái đàn đối với các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học; còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì khuyến khích không nên tái đàn trong thời gian này.

Để bệnh DTHCP không bùng phát trở lại, chi cục đã và đang phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo trái phép; tiếp tục phun tiêu khử trùng tại vùng xảy ra bệnh dịch và các vùng lân cận. Chi cục cũng tiếp tục tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn và vận động người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn nhằm bảo đảm hiệu quả chăn nuôi mang lại. 

Không chủ quan
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh DTHCP. Đối với các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh, công tác này cũng được thực hiện rốt ráo. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy để phòng chống bệnh DTHCP đã được giải ngân trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và khó kiểm soát của bệnh DTHCP, đồng thời hiện số lượng hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và trang trại chăn nuôi hình thức trại hở còn nhiều (gần 40% tổng đàn heo), khó thực hiện biện pháp an toàn sinh học. Tuy tình hình bệnh dịch đã được kiểm soát và nhiều địa phương công bố hết dịch nhưng không được chủ quan.
Do đặc điểm khác biệt của bệnh là chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị và vi-rút gây bệnh có sức đề kháng rất cao, nguồn lây phức tạp nên đã xảy ra trên địa bàn nên các địa phương, đơn vị liên quan phải chủ động, cấp bách thực hiện các tình huống có thể xảy ra với tinh thần cao nhất. Về phía ngành, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng, chống và khống chế dịch…

THOẠI PHƯƠNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên