Tái đàn heo gắn với chăn nuôi an toàn sinh học

Cập nhật: 26-02-2020 | 09:07:02

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 81 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đến nay, 81 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh và công bố hết dịch. Như vậy, toàn tỉnh đã cơ bản khống chế DTHCP; nhiều địa phương đang tập trung tái đàn.

Nhiều trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đang tái đàn sau khi dịch bệnh DTHCP được khống chế. Trong ảnh: Trang trại heo của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Thịnh (xã An Thái, huyện Phú Giáo). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Nhiều địa phương hết bệnh DTHCP

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết từ khi tình hình DTHCP trong tỉnh được khống chế, nhiều địa phương không còn tái phát sinh ổ dịch sau nhiều ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn.

Phú Giáo là huyện đầu tiên trong tỉnh phát sinh ổ dịch. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, đến nay huyện đã khống chế được dịch. Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết ngay sau khi dịch bệnh xảy ra trạm đã phối hợp UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại các ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, yêu cầu vệ sinh thú y. Nhờ đó đến nay, DTHCP trên địa bàn đã được khống chế (con bệnh chết cuối cùng vào ngày 23-9-2019 và đã qua 30 ngày). 11/11 xã, thị trấn của huyện đã công bố hết DTHCP.

Tại huyện Bàu Bàng, 7/7 xã, thị trấn cũng đã công bố hết dịch. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho hay đến nay huyện đã kiểm soát được tình hình DTHCP. Huyện cũng đã công bố hết dịch, người dân, doanh nghiệp chăn nuôi đã thực hiện tái đàn. Tuy vậy, hiện việc tái đàn phần lớn được các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thực hiện; đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lượng tái đàn chưa nhiều, do nghi ngại dịch bùng phát trở lại. Trạm khuyến khích người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch.

Tái đàn an toàn

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, để kiểm soát tình hình chăn nuôi và tái phát DTHCP, giảm thiểu tối đa thiệt hại, UBND huyện đã có Công văn số 88/UBND-KT về việc kiểm soát việc tái phát DTHCP trên địa bàn huyện. Theo đó, ngành chức năng trong huyện cần phối hợp hướng dẫn người chăn nuôi trong việc tái đàn. Tuy nhiên, huyện chỉ khuyến khích tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, tránh tái đàn ồ ạt. Lý do là bệnh DTHCP đang còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn lưu hành, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra, do vậy người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn.

Anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ trang trại heo Kim Linh (xã An Linh, huyện Phú Giáo), cho hay trước tình hình diễn biến phức tạp của DTHCP, trang trại đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hàng ngày như vệ sinh chuồng trại; vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi. Trang trại hạn chế tối đa việc ra vào thăm cơ sở chăn nuôi; thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng từ xa trên lối ra vào bằng vôi bột… Hiện trang trại có trên 2.000 con heo, trong thời gian tới sẽ tăng đàn nhằm ổn định chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Theo ngành chức năng, việc tái đàn heo có thể thực hiện nếu các địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học. Các cơ sở tái đàn cần chọn giống heo có nguồn gốc từ cơ sở không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu máu xét nghiệm âm tính với DTHCP. Cùng với đó, cơ sở chăn nuôi phải duy trì vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền vi rút từ môi trường vào đàn heo giống mới nuôi.

Không chủ quan với dịch bệnh

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống DTHCP. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh; kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi heo có heo buộc phải tiêu hủy là trên 147 tỷ đồng. Tuy vậy, ngành chức năng khuyến cáo tình hình dịch bệnh tuy đã được khống chế nhưng các địa phương, người chăn nuôi trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này; các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn.

Ghi nhận cho thấy, vừa qua bệnh DTHCP đã phát sinh ổ dịch mới ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 3 xã An Sơn (TP. Thuận An), An Điền (TX.Bến Cát) và Thanh An (huyện Dầu Tiếng). Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết để dịch bệnh DTHCP không bùng phát trở lại, chi cục đã và đang phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo trái phép. Bên cạnh đó, chi cục tích cực phối hợp, hướng dẫn thực hiện nghiêm các biện pháp tổng vệ sinh, cách ly, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả biện pháp an toàn sinh học.

Chi cục đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan thú y ở cơ sở tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Tới đây, chi cục tiếp tục tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn và vận động người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn nhằm bảo đảm hiệu quả trong chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tính từ ngày 20-5 (ngày đầu tiên xuất hiện DTHCP) cho đến thời điểm này, qua ghi nhận thông tin từ các địa phương, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra DTHCP và có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.391 hộ/trại chăn nuôi tại 84 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 86.934 con. Tỷ lệ số heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo trong tỉnh chiếm 13,12%. Vì vậy, nguồn thịt heo an toàn vẫn bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên