Tai nạn lao động ngành xây dựng: Đáng báo động!

Cập nhật: 27-03-2013 | 00:00:00

  CNLĐ Công ty Euro Window hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ năm 2012

 Mỗi năm ước tính ở Bình Dương có hàng trăm công trình lớn nhỏ thi công, trong đó gồm có các công trình do Nhà nước đầu tư, công trình do nước ngoài đầu tư và công trình do tư nhân đầu tư. Đã được cảnh báo nhưng những vụ TNLĐ nghiêm trọng trong ngành xây dựng vẫn cứ tiếp tục xảy ra đã cướp đi sinh mạng hoặc làm cho nhiều người phải mang tật suốt đời. Trường hợp TNLĐ điển hình trong năm 2012: Vụ sập đổ bức tường đang thi công tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Chyang Sheng Việt Nam vào ngày 31-7-2012 đã làm chết 4 người và làm bị thương 1 người.

Năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 446 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 76 vụ so với năm 2011 (tăng 20,54%), làm 450 người bị nạn. Trong đó, có 29 vụ tai nạn chết người, giảm 11 vụ so với năm 2011 (giảm 37,93%) làm 33 người chết, giảm 7 người so với năm 2011 (giảm 17,5%); 34 người bị thương nặng, tăng 11 người so với năm 2011 (tăng 47,82%); tần suất TNLĐ chết người là 3,61 trên 100.000 NLĐ. Các địa phương có xảy ra TNLĐ chết người: huyện Bến Cát (7 vụ), TX.Thuận An (6 vụ), TP.TDM (5 vụ), TX.Dĩ An (5 vụ), huyện Tân Uyên (5 vụ), huyện Phú Giáo (1 vụ). Các nghề, lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người là: Xây dựng (16 vụ), sản xuất (13 vụ).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vụ TNLĐ xảy ra trong ngành xây dựng có nhiều nguyên nhân: Một số công trình của tư nhân đầu tư, những công trình này hợp đồng với đơn vị thi công ở nơi khác đến, tay nghề của công nhân lao động chưa cao, không có cán bộ kỹ thuật quản lý và chủ đầu tư thường khoán trắng cho đơn vị thi công, không có sự kiểm tra quản lý chặt chẽ. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công trang bị chưa đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động (NLĐ), không có phương án bảo đảm an toàn lao động cho người công nhân khi thi công ở tầng cao hoặc ở những nơi dễ xảy ra sự cố về điện. Trong số những vụ TNLĐ xảy ra gây chết người trong lĩnh vực xây dựng, qua kết quả điều tra của các vụ TNLĐ cho thấy: Điều kiện, môi trường làm việc của NLĐ không bảo đảm, thiếu độ an toàn. Các doanh nghiệp chưa đề ra các biện pháp an toàn khi làm việc, thiếu kiểm tra giám sát trong khi thi công. Trong tình hình phát triển công nghiệp khá nhanh trên địa bàn tỉnh, để kiểm soát và hạn chế TNLĐ nói chung và TNLĐ trong ngành xây dựng nói riêng thì không dễ sớm thực hiện được. Theo quan sát của chúng tôi tại một số công trình xây dựng việc đầu tư trang thiết bị và sử dụng bảo hộ lao động (BHLĐ) còn mang tính hình thức mà cụ thể một số mũ BHLĐ được đặt tại văn phòng ban chỉ huy công trường chỉ để đối phó khi có đoàn kiểm tra bởi thực tế rất ít người sử dụng khi làm việc. Các trang thiết bị khác như găng tay, quần áo BHLĐ, ủng, giày còn thiếu hoặc NLĐ sử dụng mang tính đối phó. Đáng lưu ý, công nhân xây dựng là lao động phổ thông chiếm đa số, những lao động này được chủ thầu thuê mướn thời vụ nên ý thức chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động còn rất thấp...

Từ những cảnh báo trên, hơn bao giờ hết mọi doanh nghiệp, NLĐ hãy nghiêm túc thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động nhằm hạn chế các vụ tai nạn lao động xảy ra trong ngành xây dựng.

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên