Tai nạn giao thông, đừng đổ lỗi cho số phận!

Cập nhật: 26-04-2011 | 00:00:00

Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn ra hàng ngày với mức độ phức tạp ngày càng tăng, gây nỗi lo lắng, bất an cho người  tham gia giao thông. Sau mỗi vụ việc đau lòng thì ai nấy đều tự an ủi nhau, đều đổ cho số phận nó như vậy. Tại số phận hay tại  chính con người gây ra?

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, mỗi ngày cả nước có 33 - 34 người chết và bị thương, mỗi năm có gần 12.000 người chết vì TNGT. Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 10 đến 13-4), cả nước xảy ra 133 vụ TNGT đường bộ, làm 115 người chết và 95 người bị thương. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 42.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 192 ô tô, hơn 6.300 mô tô, thu hơn 10 tỷ đồng tiền xử phạt. Năm 2010, Bình Dương xảy ra 347 vụ TNGT, giảm 14 vụ so với cùng kỳ, làm chết 361 người, bị thương 193 người, hư hỏng 465 phương tiện. Các địa bàn xảy ra số vụ tai nạn cao là Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An... Hậu quả của TNGT làm thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng. Song hậu quả lớn nhất là gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân TNGT trước hết là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn trái, say rượu lái xe, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm, phương tiện không an toàn...

Thời gian qua việc giáo dục học tập về Luật Giao thông đường bộ đều được triển khai ở các trường học, học sinh sinh viên đều được trang bị đầy đủ kiến thức khi tham gia giao thông nhưng khi ra đường thì cứ phóng nhanh, vượt đèn đỏ, đi xe máy khi chưa có bằng lái. Ở đây có trách nhiệm làm gương của những người lớn, thậm chí của ngay những ông cha bà mẹ chở con đi học hàng ngày không đội mũ bảo hiểm... thì khi chúng lớn lên cũng hành động như vậy thôi.

Những năm gần đây, số vụ TNGT có giảm so với các năm trước, tỉnh Bình Dương cũng có giảm, nhưng chưa thật sự bền vững. Do đó cần thiết phải đẩy mạnh công tác giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho chính những người trực tiếp tham gia giao thông. Bên cạnh hình thức xử phạt nặng các lỗi vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, phải coi trọng công tác đào tạo, quyết không cấp bằng lái xe (ô tô, xe máy) cho những người không đủ tiêu chuẩn; coi trọng công tác giáo dục văn hóa giao thông bằng nhiều hình thức, áp dụng cho mọi đối tượng, lứa tuổi, ở nhiều nơi (địa phương, cơ quan, trường học, xí nghiệp...). Trên cơ sở đó, từng bước đưa việc chấp hành luật lệ giao thông trở thành nhu cầu tự thân, thói quen tự giác. Và trong mỗi gia đình đều đưa ra tiêu chuẩn giáo dục đạo đức ATGT cho các thành viên trong gia đình mình. Mặt khác trên các tuyến đường cần khắc phục tình trạng bày, bán hàng, lấn chiếm vỉa hè hình thành chợ tự phát diễn ra thường xuyên - gây mất mỹ quan đô thị - ảnh hưởng rất lớn đến trật tự ATGT. Đặc biệt xóa những điểm đen về TNGT, bên cạnh đó, cần luôn kiểm tra, rà soát lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu tại các ngã tư trong thành phố, đô thị, tại các trục quốc lộ. Cơ quan quản lý hạ tầng giao thông cũng cần thường xuyên làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, phát hiện kịp thời những nguy cơ gây mất ATGT (trên đường bộ, đường sắt) để hạn chế thấp nhất tai nạn có thể xảy ra.

Thiết nghĩ những vấn đề trên cần được các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên - liên tục, để tăng cường tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân chấp hành luật pháp và bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng để bảo đảm tính bền vững thì hơn ai hết cần có trách nhiệm cộng đồng, trong đó người tham gia giao thông phải thấy việc bảo đảm ATGT cho mình, cho người là trách nhiệm, là đạo đức, văn hóa thật sự thì tình hình TNGT mới có chuyển biến. Bao giờ ATGT thật sự trở thành ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông chừng đó mới có trật tự ATGT, mọi người mới không còn nơm nớp lo âu mình chấp hành đúng luật nhưng còn ai đó trên đường cứ chực chờ gây tai nạn cho mình. Đừng đổ lỗi cho số phận, vì TNGT do chính bản thân con người thiếu ý thức giao thông gây ra và phải chịu trách nhiệm với những hậu quả mất mát không gì bù đắp được, đó là sự cảnh báo để mọi người tham gia giao thông cần ý thức hơn.

 BT.LAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên