Tài tử cải lương - sức quyến rũ diệu kỳ - Kỳ cuối

Cập nhật: 16-06-2014 | 00:00:00
Kỳ cuối: Cải lương trong xu thế hội nhập

> Kỳ 2: Sức sống cải lương Nam bộ

> Kỳ 1: Cải lương bắt nguồn từ nghệ thuật đờn ca tài tử

 Những người con Nam bộ còn sớm đem loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình đến với khán giả nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1931, gánh Phước Cương đem vở diễn Xử án Bàng Quý Phi do các nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tám Danh biểu diễn trong Hội chợ triển lãm Đấu Xảo thuộc địa ở Paris được báo chí và công chúng Pháp nhiệt liệt đón nhận. Tiếp đó, gánh Phụng Hảo của NSND Phùng Há rồi gánh Việt Kịch Năm Châu hăm hở “đem chuông đi đánh xứ người”. Những chuyến đi này đã sớm giới thiệu, quảng bá loại hình độc đáo của dân tộc đến với thế giới. Có lẽ vì thế mà cho đến tận hôm nay, loại hình ca kịch này vẫn có sức hấp dẫn mãnh liệt với không ít “ông tây, bà đầm”.

   Vở cải lương “Chiếc áo thiên nga” (TG Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt, ĐD NSƯT Hoa Hạ) ra mắt bản dựng mới 2013 với nhiều thay đổi so với bản đầu tiên công diễn vào năm 2008. Ảnh: THANH TUYÊN

 Nói đến những ông Tây có giọng hát cải lương điệu nghệ, ngọt ngào không thua những nghệ sĩ trên những sàn diễn chuyên nghiệp, giới mộ điệu loại hình nghệ thuật này đều dành cho Bernard - chàng trai người Đức - sự ngạc nhiên và mến phục. Trong ký ức của Bernard vẫn không bao giờ quên được cái đêm 4-3-1984 khi được xem vở Đời cô Lựu do Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang sang Pháp lưu diễn. Theo bố mẹ đi xem, Bernard cũng không ngờ rằng chính đêm đó đã mang cải lương đến với anh như một “duyên phận”. Anh nhớ lại: “Lúc đó, nghệ sĩ Bạch Tuyết đóng vai cô Lựu, còn nghệ sĩ Diệp Lang đóng vai ông hội đồng ác độc. Cái cảnh cô Lựu bị ông hội đồng mắng nhiếc vì tội tơ tưởng tới tình xưa sao mà tội nghiệp quá! Dù không biết bài bản gì, cũng không rành tiếng Việt lắm nhưng tôi xúc động vì lời ca, vì diễn xuất của các nghệ sĩ”. Như một sự khát khao trỗi dậy từ trong tiềm thức, ngay sau đêm diễn Đời cô Lựu, chàng trai trẻ mới bước qua tuổi 22 liền chạy ra những tiệm băng ở quận 5 - Paris để mua cho bằng được những băng đĩa cải lương về nghiền ngẫm. Anh nghe nhiều đến nỗi hầu như thuộc tên và nhận giọng tất cả những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương thời ấy như: Thanh Sang, Hùng Cường, Phương Quang, Hữu Phước… Từ chỗ nghe hát, ghiền, anh tập tành hát theo từng câu ca, lời hát, mỗi lần trở lại Việt Nam, Bernard không quên tìm đến những làng quê miền Tây sông nước - nơi anh coi là quê hương thứ 2 của mình để tề tựu với bạn hữu đờn ca tài tử. Chính những lúc ấy, anh cảm thấy mình hạnh phúc, được hát bằng tất cả tình yêu, sự đam mê như một người con của vùng đất Nam bộ.

Cũng từ tình yêu với cải lương Việt Nam, đã có những “ông tây, bà đầm” dồn tâm huyết khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Richard di San Marzano - một họa sĩ đến từ nước Ý là một người như thế. Nghe cải lương từ thuở nhỏ, yêu giọng ca Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Sang, chứng kiến sân khấu cải lương xuống dốc, Richard quyết định làm một điều gì đó cho môn nghệ thuật này. Quá trình gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nghệ sĩ đã mang Richard đến với nghệ sĩ Linh Huyền. Được sự ủng hộ của chồng, Linh Huyền đã hào hứng mở lớp đào tạo miễn phí cho những bạn trẻ yêu mến loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, đôi vợ chồng này còn bỏ nhiều tỷ đồng nối nhịp cầu đưa cải lương đến khán giả qua nhiều vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng như: Bà Chúa thơ Nôm, Tiểu anh hùng Nam Quốc... Không dừng lại ở những thành công bước đầu đó, anh chàng người Ý mê đắm cải lương Việt còn giới thiệu cải lương với khách quốc tế. Chương trình Hồn Việt được đầu tư nghiêm túc trong không gian ấm cúng, sang trọng của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách trong và ngoài nước…

Cũng như đôi vợ chồng Richard - Linh Huyền, dẫu biết vẫn còn muôn vàn khó khăn để đưa cải lương trở lại thời vàng son, bởi hành trình ấy cần sự chung lòng, góp sức của nhiều tổ chức đơn vị, nhưng không ít những nghệ sĩ nặng lòng với sân khấu dân tộc vẫn luôn miệt mài, nỗ lực để vực dậy loại hình sân khấu này. Nếu như những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như Lệ Thủy, Minh Vương... đã cùng nhau góp sức lập chương trình Những dấu ấn không phai, rồi đến Sân khấu vàng với khao khát được sống lại không khí cải lương nguyên tuồng đỉnh cao của ngày xưa thì Nhóm Thắp sáng Niềm tin của những nghệ sĩ trẻ Nhà hát Trần Hữu Trang cũng đã tự bỏ vốn theo phương thức xã hội hóa nhằm tạo cho mình cơ hội thâm nhập các vai diễn khó. Công sức, tâm huyết, tài năng của những gương mặt trẻ đã từng đoạt huy chương, giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu đã tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ với những vở diễn như Cung đàn nào cho em, Duyên kiếp, Chiếc áo thiên nga, Đả chiến sông Ngân… Chính vì vậy, Nhà hát Trần Hữu Trang đang có nhiều hỗ trợ cho nhóm Thắp sáng Niềm tin để các nghệ sĩ trẻ có điều kiện tiếp tục dàn dựng những vở diễn đạt chất lượng, có điều kiện mở rộng hoạt động ra ngoại thành và các tỉnh lân cận…

Chúng tôi đến thăm lớp đào tạo diễn viên cải lương K30 do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức. Ngoài trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đây được xem là cái nôi đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Để có được những NSƯT Thanh Thanh Tâm, NSƯT Tấn Giao, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Vũ Linh, Mỹ Hằng, Quỳnh Hương… nhiều thế hệ nghệ sĩ như NSND Phùng Há, NSND Diệp Lang, NSƯT Bạch Tuyết… đã không chỉ dồn tâm huyết truyền lại những kinh nghiệm tích lũy cả đời trên sân khấu mà còn làm bùng cháy ngọn lửa đam mê cải lương với những nghệ sĩ trẻvừa tập tễnh vào nghề.

Trở lại miền Tây - Cái nôi của nghệ thuật cải lương. Sau cơn khủng hoảng kéo dài từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nhiều đoàn cải lương miền Tây Nam bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để làm được điều đó là cả một sự nỗ lực lớn. Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng vở diễn, việc hạ giá vé đã được nhiều đoàn áp dụng từ năm 2004 để kéo khán giả trở lại với sàn diễn. Thậm chí, nhiều đoàn còn nỗ lực đưa cải lương đến tận những vùng sâu, vùng xa phục vụ miễn phí khán giả mộ điệu. Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ, cải lương miền Tây đã vực dậy những Làn điệu phương Nam buồn tẻ trước đó, tạo niềm hứng khởi cho những người làm nghề, những khán giả mộ điệu…

Không chỉ nuôi dưỡng một thế hệ khán giả yêu mến cải lương, những nỗ lực không mệt mỏi này còn góp phần phát triển loại hình nghệ thuật này một cách sâu rộng. Từ đó, phong trào đờn ca tài tử và cải lương ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Nhiều giọng ca trưởng thành từ những phong trào này. Đây chính là nguồn bổ sung lực lượng cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Đã có rất nhiều gương mặt trẻ của sân khấu miền Tây khẳng định tài năng với nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi, hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Nếu như Hoa Phượng, Lịch Sử, Hoàng Nhất của đoàn Hương Tràm đã liên tiếp mang về cho xứ Cà Màu những tấm HCV Trần Hữu Trang danh giá thì chàng trai Võ Minh Lâm của xứCần Thơ rồi Ngọc Đợi của Đoàn Cao Văn Lầu cũng xuất sắc vượt qua nhiều gương mặt sáng giá đến từ khắp vùng miền cả nước để bước lên bục vinh quang với giải I Chuông vàng vọng cổ năm 2006, 2007…

Rõ ràng, cải lương tồn tại và phát triển như hôm nay là nhờ sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, sự nỗ lực của giới văn nghệ sĩ cùng nhiều ban ngành nhằm củng cố, khôi phục, đưa loại hình nghệ thuật này vượt qua khủng hoảng, trở lại thời hoàng kim dù có những thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế cần được lấp đầy. Trong một hội thảo Sân khấu cải lương - Giữ gìn và phát triển trong tình hình mới, NSƯT - Đạo diễn Trần Minh Ngọc -Tổng Biên tập Báo Sân Khấu TP.HCM cho rằng: Từ khi chuyển sang thị trường trước nhiều thay đổi về cơ chế, cách sống mở cửa của hội nhập đời sống, con người cũng thay đổi theo, tiết tấu lề mề chậm chạp của ca diễn cải lương không còn phù hợp với thời đại. Chúng ta đang thiếu kịch bản cải lương hay. Vai trò thay tuồng (đạo diễn), thay đờn (nhạc sĩ, nhạc công) rất mờ nhạt, không được quý trọng như ngày xưa. Cũng tại hội thảo này, rất nhiều ý kiến, đề xuất, nếu muốn cải lương khởi sắc, muốn giữ gìn và phát triển sân khấu cải lương thì việc cần làm ngay bây giờ là xây dựng những nhà hát đúng nghĩa, đào tạo lớp diễn viên trẻ kế thừa. Và một điều quan trong nữa là phải làm sao nắm bắt và đi kịp với thị hiếu của khán giả nhưng không làm mất giá trị truyền thống của sân khấu cải lương…

Từ trong bản chất ra đời của loại hình ca kịch phương Nam độc đáo này, trong gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương đã không ngừng tìm kiếm, nâng niu tinh hoa các lọai hình nghệ thuật Đông - Tây - Kim - Cổ với nhiều cách tân, sáng tạo, đưa nghệ thuật này vượt qua quy luật khắt khe của thị trường, với những thành tựu vô cùng rực rỡ mà không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng may mắn có được. Đi ngược lại thời gian, nhìn lại cuộc hành trình nhiều sóng gió nhưng cũng lắm vinh quang ấy, có lẽ những người làm nghệ thuật hôm nay sẽ tìm ra được câu trả lời chính xác nhất: Làm thế nào để đưa cải lương vượt qua sự khủng hoảng kéo dài suốt nhiều thập kỷ để hồi sinh, để phát triển?

 NGUYỄN THANH TUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên