Tâm đức ngành y : Trong khó khăn vẫn sáng ngời y đức

Cập nhật: 27-02-2014 | 00:00:00

>>Bài 2: Trong khó khăn vẫn sáng ngời y đức

>>Bài 1: Y đức của người thầy thuốc kháng chiến

Bước sang thời kỳ “đêm trước đổi mới” mà chúng ta hay gọi là thời bao cấp, ngành y cũng như các ngành khác đều có nhiều khó khăn chung. Thế nhưng, tất cả đều làm việc với tinh thần phục vụ người dân, tận tình chăm sóc bệnh nhân (BN) khi họ ốm đau, bệnh tật…

  

Bác sĩ Thái (đứng, bìa phải) cùng đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân (ảnh chụp vào giai đoạn 1980-1985)

Rèn luyện từ trong trường học

“Kể chuyện đời vui vẻ, nhẹ nhàng thôi cháu nhé”! Bà dặn tôi thế khi nói về cả một quá trình phấn đấu không ngừng trong học tập và làm một thầy thuốc luôn nêu cao tinh thần phục vụ người dân. Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé Lê Thị Tài đã nói về nghề y một thời với vẻ hăng say của một người dành trọn cho sự nghiệp y tế…“Cô sinh năm 1944 và đến năm 1955, mới ngoài 10 tuổi được chọn là học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Đó là một bước ngoặt thật sự, là một cuộc đổi đời nằm mơ cô cũng không dám nghĩ tới”. Năm 1967, bà vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội. Lớp của bà có 88 sinh viên và luôn thương yêu, đoàn kết, tương trợ nhau. Thời sinh viên bắt đầu giai đoạn đói khổ nhất. Hàng ngày, các bạn trong lớp phải chia nhau đi 7 - 8km mới tới chợ. Bột mì, bắp… được phát theo tiêu chuẩn và “4 người ngồi học chung một cây đèn dầu cho tiết kiệm”. Theo bà Tài, chuyện y đức từ trong trường học đã được dạy rất kỹ và người thầy thuốc không được quên.

Với bà Nguyễn Thị Thiếu Hoa, một cán bộ điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nay đã nghỉ hưu thì không chỉ học về kiến thức chuyên môn mà người thầy thuốc còn phải có tấm lòng nhân hậu với mọi người, với BN của mình. Còn bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh cũng cho rằng, giáo dục và rèn luyện y đức từ trong trường học là rất quan trọng. “Tôi muốn gửi gắm đến những sinh viên ngành y hãy theo lời răn mình của danh y Việt Nam - Hải Thượng Lãn Ông: “Tôi thường thấm thía rằng: Thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống chết, điều họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí - tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y”.

 Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé, BS Lê Thị Tài: Tôi là người không chấp nhận kiểu làm việc muốn đến khi nào thì đến, đi khi nào thì đi, cuối tháng nhận lương, cuối năm tiên tiến! Đó là thể hiện người không có tâm với công việc. Y đức cũng thế thôi - là cái tâm với công việc, với BN của mình phải thật tốt.

Và làm tất cả vì điều tốt đẹp

Theo bà Thiếu Hoa, thời kỳ bao cấp, cán bộ ngành y cũng sống bằng chế độ tem phiếu. Chế độ lương, thưởng cũng tính theo sơ cấp, trung cấp, đại học và được phát bằng nhu yếu phẩm là: Gạo, mì, dầu hỏa, vải… Sống tập thể, ngoài giờ làm ở đơn vị phải đi tăng gia sản xuất nhưng tất cả đều làm với tinh thần hăng say, hồn nhiên. “Y đức thời đó hay lắm và không có chuyện vòi vĩnh gì hết vì ai cũng nghèo. Tôi còn nhớ y tá như chúng tôi được lãnh đạo nhắc nhở phải niềm nở với BN, đón tiếp BN từ cửa phòng khám và hỏi han thân tình để biết thêm về gia cảnh của họ. Không được tỏ thái độ lạnh lùng, thờ ơ với BN…”, bà Thiếu Hoa chia sẻ.

Với bà Tài, những việc gì bà cho là đúng, hợp lý là bà cố gắng thực hiện cho bằng được. Khi nhận công tác tại Trung tâm Y tế TX.Thủ Dầu Một, ngoài nhiệm vụ chung của ngành, đơn vị còn phải tham gia lao động tăng gia sản xuất. Bà Tài nhớ lại: “Hồi bao cấp khó khăn lắm nên cơ quan tôi cũng được chia đất trồng lúa. Làm kiểu gì không biết mà cỏ mọc nhiều hơn lúa. Thế là tôi đề nghị thực hiện khoán nông nghiệp! Sau khi khoán, mọi người siêng năng, sáng tạo và có trách nhiệm hơn. Từ 2 - 3kg lúa được chia mỗi vụ nay có được 7 - 8 giạ lúa/ người/vụ khiến ai cũng phấn khởi”. Lo được đời sống ổn định, bà bắt tay vào thực hiện vệ sinh môi trường ở cơ quan, phát động phong trào ở khu vực quanh chợ Thủ gồm bến xe (cũ) và các tuyến đường cũng theo hình thức khoán việc. Giữ gìn vệ sinh môi trường là tránh lây lan nguồn bệnh nên bà vận động cán bộ của mình đi tuyên truyền, làm gương cho người dân noi theo. Tiếp theo vấn đề vệ sinh là bà mạnh dạn triển khai việc sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con tốt hơn. Mạng lưới y tế hồi đó rất phân tán, thiếu thốn nên khi đã về làm Phó Giám đốc Sở Y tế, bà đề nghị sắp xếp lại đồng thời chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, nhân viên. Lấy hiệu quả làm thước đo cho công việc. Mặc dù trang thiết bị, thuốc men thiếu thốn nhưng đội ngũ y bác sĩ luôn tận tình chăm sóc BN, nêu cao tinh thần phục vụ trong khám, điều trị. Bà Tài cũng là người luôn chăm lo cho đời sống của cán bộ, nhân viên như đề xuất nâng định suất trực từ 800 đồng lên 3.000 đồng, nâng lương, tăng phụ cấp, thực hiện đúng chế độ xăng xe… với tinh thần trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo. “Có một điều ở tỉnh Sông Bé, sau này là Bình Dương, lãnh đạo Đảng, chính quyền rất quan tâm đến y tế và luôn cố gắng thực hiện những đề xuất của lãnh đạo ngành nếu hợp tình, hợp lý và không lãng phí”, bà Tài nhận xét.

Trao đổi về y đức, cả 2 bà Lê Thị Tài và Nguyễn Thị Thiếu Hoa cho rằng, ngành nghề nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” mà xã hội ngày nay lên án là nạn phong bì, bồi dưỡng. Ngành y cũng thế nên cần phải chấn chỉnh quyết liệt hơn. “Việc ra giá với BN, người nhà BN là quá tồi tệ và làm mất đi lòng tự trọng, hạ thấp danh dự của người thầy thuốc”, bà Tài chia sẻ.

Cùng ý kiến thầy thuốc là nghề cao quý, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện y đức, TS-BS Phạm Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh cho rằng, nghề y là nghề cao quý, được xã hội coi trọng thì cũng phải hết lòng phục vụ người dân. Chừng nào còn làm việc, còn học tập, nghiên cứu được thì hãy còn góp sức cho đời, cho cộng đồng.

*  Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh NGUYỄN VĂN HÓA:

Cùng với sự phát triển chung của xã hội thì ngành y cũng phát triển dần lên. Tất nhiên, thời kháng chiến, thời bao cấp y tế không được thuận lợi như bây giờ. Theo tôi, y tế dịch vụ vẫn là điều cần thiết vì đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Hiện nay, đời sống của cán bộ, công nhân viên ngành y tốt hơn nên họ yên tâm công tác. Ngược lại, thời chiến, thời bao cấp đời sống y, bác sĩ khó khăn chung như đa số người dân. Trang thiết bị y khoa, thuốc men cũng thiếu thốn hơn bây giờ. Tuy nhiên, thời nào thì đạo đức của người thầy thuốc cũng phải đặt lên hàng đầu. Thầy thuốc phải có lương tâm nghề nghiệp và nhân ái với BN…

*  Bác sĩ NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh:

Thời kỳ nào cũng vậy, khi nói đến ngành y người ta hay đặt hai từ “y đức” lên trên hết, nhưng mấy ai hiểu được người thầy thuốc luôn luôn lấy chữ “đức” làm nền tảng trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Chúng tôi, thế hệ 6X ra trường trong những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, khi cái cũ và cái mới còn đan xen nhau, dân nghèo vẫn còn nhiều, lương thầy thuốc rất thấp, nhưng tiếp bước những bậc tiền bối chúng tôi đã cống hiến kiến thức của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Bài 3: Y đức vẫn là kim chỉ nam của người thầy thuốc

 

 

 QUỲNH NHƯ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên