Tấm gương sáng về nghị lực vươn lên

Cập nhật: 24-10-2020 | 09:16:18

Những năm gần đây, ông Trần văn Ba (ấp Chợ, xã Thanh Tuyền) không còn là hộ nghèo của xã vì có nguồn thu nhập ổn định. Dù không có đôi chân, nhưng ý chí và nghị lực vươn lên của ông khiến không ít người nể phục.

Theo chân cán bộ xã Thanh Tuyền, chúng tôi đến tiệm cơ khí của ông Ba nằm trên mặt tiền đường ĐT744 khi đã gần 12 giờ trưa. Thay vì giờ này, với người khác đã tươm tất cơm nước hay yên giấc ngủ trưa thì ông Trần Văn Ba vẫn hì hục đục đẽo, cắt hàn để kịp gia công chiếc máy cắt cỏ cho một hộ dân trong vùng. “Bản thân tật nguyền, sức khỏe không bằng người khác nên mình phải tận dụng thời gian, đâu được phép nghỉ ngơi. Mỗi ngày tôi ngồi như vậy 12 giờ đồng hồ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối để lao động”, ông Ba nở nụ cười tươi khi nói về công việc.

Ông Ba đang cắt sắt, gia công máy băm cỏ cho một hộ nuôi bò ở địa phương

Năm nay đã tròn 60 tuổi, có thể nói để kiếm được công việc mưu sinh như hiện nay, ông đã vượt qua không ít sóng gió cuộc đời. Ông Ba quê ở Long An, từ bé ông bị tật nguyền, đôi chân què quặt không thể đi lại. “Ở quê tôi là vùng sông nước, không có chân sao làm được ruộng đồng. Từ bé tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện nghề nghiệp, việc làm. Mình không thể ăn bám đến suốt đời. Ba mẹ rồi cũng già yếu, đâu nuôi mình mãi được”. Vậy là năm 18 tuổi, ông quyết định tìm về xã Thanh Tuyền lập nghiệp. Để mưu sinh, ông không ngại bất cứ một công việc nào. Đôi tay ấy đã thay đôi chân lân la khắp các quán ăn xin phụ rửa chén, lau nhà, có khi thì nhặt ve chai, bán vé số. Thương cho tấm thân tật nguyền của ông, nhiều hộ kinh doanh cho ông phụ việc, có đồng thu nhập. “Tôi rất muốn có một nghề nào đó ổn định, đã đến nhiều tiệm xe máy, hàn chì tại địa phương xin học nghề nhưng họ không nhận. Họ bảo nhận tôi rồi cũng khó xử lý, chẳng lẽ cứ ngồi một chỗ để sai người khác”, ông Ba tâm sự.

Nhưng với quyết tâm của mình, ông không từ bỏ. Không được nhận vào học nghề thì ngày ngày, ông tranh thủ thời gian rảnh lân la vào các tiệm xe ngồi xem cách họ thao tác tháo, ráp xe, hỏi về quy trình sửa xe nếu có ai đó thương tình. Và rồi khi có chút tiền, ông mua sắm vài ba dụng cụ tháo ráp, sửa xe, nhưng chủ yếu ngồi lề đường sửa xe đạp cho học sinh trên địa bàn. Dần dần khi có chút vốn trong tay, ông mở tiệm xe máy nhỏ. Người ta thường nói “có tật thì có tài”, câu này với ông ba hoàn toàn đúng. Nhờ trời thương, dù bản thân một chữ bẻđôi cũng không biết, nhưng ông rất sáng dạ. Việc gì cũng thế, chỉ nhìn qua vài lần là ông có thể thao tác thuần thục ngay. Không bao lâu, tay nghề khá lên, tiệm xe máy của ông đã đông khách.

Khoảng hơn 5 năm trước, người vợ mà ông đã nhiều năm yêu thương, đồng cam cộng khổ, cũng là cánh tay đắc lực phụ việc cho ông bệnh đau và qua đời. Nỗi đau mất vợ chưa dứt, cái chân trái què quặt của ông bị nhiễm trùng và phải cắt bỏ nên không thể làm được gì. Suốt một thời gian dài bà con địa phương không thấy ông Ba mở cửa tiệm, nguồn thu cũng không, chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp của địa phương. Không ít người từng nghĩ, chuyến này ông Ba không thể vượt qua số phận.

Thế nhưng mọi suy nghĩ ấy lại sai, ông Ba một lần nữa vượt lên số phận. Khi vết thương cắt chân tạm lành, ông lại đục đẽo, hàn chì, sáng chế cho mình chiếc xe máy chuyên dụng đi lại. Sau lần sáng chế chiếc xe cho riêng mình, ông lại nảy sinh ý tưởng sáng chế các loại máy khác khi người dân cần như cắt cỏ, băm cỏ, phát điện… Nghe đâu có mô hình hay, ông chạy xe máy cả trăm cây số để học hỏi về làm. Từ đây, công việc này đã cho ông nguồn thu nhập cao, không còn là hộ nghèo của xã. Ông Ba xứng đáng là tấm gương thoát nghèo điển hình của địa phương này.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết
Tags
ĐT744

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên