Tầm nhìn Lê Duẩn

Cập nhật: 07-04-2012 | 00:00:00

Các nhà lãnh đạo, nhà khoa học nước ta, cũng như không ít chính khách, nhà văn hóa nước ngoài đã dùng những từ ngữ tốt đẹp nhất tôn vinh Lê Duẩn khi nói về ông.

  Đồng chí Lê Duẩn và lãnh tụ Cuba Fidel Castro.  Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986) là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội…” (Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 11-7-1986).

Tổng Bí thư Trường Chinh thấy ở vị tiền nhiệm của mình “người luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, mà sự sáng suốt nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”(Điếu văn, ngày 15-7-1996).

Là một nhà báo, tôi xin dẫn lời hai bậc đàn anh đều từng là cộng sự gần gũi cố Tổng Bí thư, và nay đều đã lần lượt theo ông trở thành những người thiên cổ. Nhà báo Hoàng Tùng thấy ở cố Tổng Bí thư “một tầm cao trí tuệ, suốt đời say mê tìm tòi chân lý” (Hoàng Tùng, Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo lối lạc, một tư duy sáng tạo lớn…(in chung), Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 239); nhà báo Trần Bạch Đằng trân trọng “Lê Duẩn là nhân vật mang tầm vóc lịch sử hiện đại, chỉ xếp sau Hồ Chí Minh” (Trần Bạch Đằng, sđd, tr. 688). Hầu như tất cả những ai thiện chí khi nói về Lê Duẩn đều gặp nhau ở một điểm: Đó là một danh nhân, và không riêng của nước Việt Nam.

Từ ngày cố Tổng Bí thư vĩnh biệt đồng bào, đồng chí về với Bác Hồ đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ. Trong khoảng thời gian không quá ngắn ấy, có bao nhiêu công trình nghiên cứu, sáng tạo viết về ông hay lấy chủ đề từ đời ông xuất bản ở nước ta? Chắc nhiều nhà khoa học, trước hết là các vị ở Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đã và đang miệt mài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Lê Duẩn. Tuy nhiên, người đọc thấy có bao nhiêu công trình về Lê Duẩn, trước hết là tác phẩm phù hợp với số đông người đọc, trên các giá sách, tại các thư viện? Tìm đâu ra tác phẩm nghệ thuật về cuộc đời danh nhân khi cần tìm hiểu? Người dân có quyền đặt câu hỏi.

Để so sánh, tôi xin dẫn tư liệu nước ngoài. Trường hợp một người cùng thời với Lê Duẩn: tướng De Gaulle (1890-1970). Ông được người Pháp coi là một vĩ nhân. Trong Thế chiến thứ hai, ông có công cùng nhiều người, trước hết là các chiến sĩ cộng sản Pháp và quân đội Đồng Minh, giải phóng Pháp khỏi ách chiếm đóng của Đức, rồi cầm quyền không liên tục khoảng 20 năm, thì bị nhân dân chán và mời về vườn bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Sai lầm lớn nhất của ông là sau khi nước Pháp vừa giành lại được, đã vội vã phái quân sang Đông Dương, mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên mấy nước này, dẫn tới sa lầy vào cuộc “chiên tranh bẩn thỉu” của họ ở Việt Nam và thảm bại ê chề. Kỷ niệm 15 năm ngày mất De Gaulle, nhà văn Jean Lacouture, tác giả nước ngoài đầu tiên có sách chuyên đề về Hồ Chí Minh khi Bác Hồ còn tại thế (1967), trình độc giả công trình ba tập dày tới 3000 trang sách của ông về thân thế và sự nghiệp ông tướng Pháp. Viện sĩ Hàn lâm Văn học Pierre Nora đọc xong, bình trên một tờ báo xuất bản tại Paris: “Sau 800 cuốn sách viết về De Gaulle, đây là cuốn số một”. 15 năm, tức 60 tháng, có 800 đầu sách về một con người!

 Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Đền Hùng (năm 1977) Một phần tư thế kỷ, chúng ta có bao nhiêu tác phẩm về Lê Duẩn? Người dân có quyền đặt câu hỏi. Đã đành De Gaulle là người lãnh đạo một quốc gia dù sao cũng được tiếng là một trong bốn nước Đồng Minh đánh thắng phát xít. Vậy Việt Nam ta, nước làm Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước đánh thắng De Gaulle cùng mấy cường quốc, tác động của Việt Nam đối với phong trào độc lập dân tộc thế kỷ XX nào có kém ai?

Tôi không đủ tầm giải đáp câu hỏi. Tôi chỉ là một học trò, một đứa em nhỏ đồng hương, vinh dự được nhiều dịp nghe đồng chí Tổng Bí thư phát biểu, phục vụ một số chuyến ông đi công tác hoặc được ông gọi đến dặn dò việc nhỏ. Tôi vẫn nhận thức rõ điều nhiều người vẫn nói là tầm nhìn xa rộng và cái mới trong tư duy ông. Mỗi lần được nghe Tổng Bí thư nói chuyện, thế nào cũng học được điều mới mẻ.

Xưa nay, tầm nhìn là tính cách và đặc trưng nổi trội ở mọi vĩ nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một người như thế. Là học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, Lê Duẩn có tầm nhìn sáng tỏ vào những bước chuyển hoặc giờ phút khó khăn của đất nước. Tầm nhìn Hồ Chí Minh trở thành tầm nhìn của Đảng. Tầm nhìn Lê Duẩn là tầm nhìn của Bộ Chính trị, của Trung ương, điều ấy nói lên vai trò người đứng đầu trong mối quan hệ cá nhân-tập thể lãnh đạo.

Ngay năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Côn Đảo về, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Trung ương giao trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Cùng một cán bộ và một tay chèo, nhà lãnh đạo “một chiếc xuồng con dập dềnh sóng nước” (thơ Lưu Trọng Lư) ngược xuôi các kênh rạch Rừng U Minh, Đồng Tháp Mười… cùng Xứ ủy lãnh đạo kháng chiến. Vào những giờ phút khó khăn ấy, với tầm nhìn của mình, Anh Ba Duẩn, ngọn đèn pha deux-cents-bougies (bóng điện sáng nhất thời bấy giờ) qua thực tiễn chiến trường, báo cáo ra Trung ương tình hình Nam Bộ (Lê Duẩn, Báo cáo tình hình chung ở Nam Bộ (1948) - Người đầu tiên gọi Lê Duẩn “Anh Ba deux cents bougies” là nhà trí thức Phạm Ngọc Thuần, cách ví đó trở thành rất phổ biến ở Nam Bộ thời chống Pháp), các đặc điểm của cách mạng Việt Nam (Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam (1949)), trăn trở nghĩ suy để đóng góp ý kiến chuẩn bị văn kiện Trung ương trình Đại hội Đảng sắp tiến hành tại Việt Bắc. Ông nhận xét: “Chúng ta chưa hiểu hết nông dân…, chưa tận dụng hết khả năng để động viên nông dân vào cuộc kháng chiến cứu nước” (Một số ý kiến tham gia Đại hội Đảng lần thứ hai (1950). Nhiều ý kiến đề xuất của Lê Duẩn từ thực tiễn chiến trường, quan điểm của ông về vai trò của nông dân, của trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ, về một số chính sách lớn Đảng cần ban hành… chắc hẳn trùng hợp với suy nghĩ của Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo hồi bấy giờ, được thể hiện tại văn kiện Đại hội II của Đảng (1951).

Tháng 7-1954, Hiệp định Geneve ký kết. Anh Ba đang ở Liên khu V. Bác Hồ điện vào: Chú nhanh chóng vào Nam Bộ để còn tập kết ra Bắc. Anh Ba xin Bác cho ở lại miền Nam để cùng đồng bào đấu tranh (Nguyễn Trung Tín, Lê Duẩn…, sđd, tr. 300). “Cuộc đời Anh vẫn là nơi tiền tuyến” (thơ Tố Hữu). Tại ngôi nhà nhỏ đường Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, hay căn gác hẹp phố Huỳnh Khương Ninh, Quận 1 Sài Gòn, trung tâm đầu não của đối phương, Anh Ba Lê Duẩn lại từ thực tiễn trăn trở nghĩ suy, viết Đề cương cách mạng miền Nam trình Trung ương. Anh được Bác Hồ và Bộ Chính trị mời ra Hà Nội cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ra Nghị quyết 15 (1959), tạo bước ngoặt quyết định cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, tiến tới non sông liền một giải (Nguyễn Minh Triết, s đ d, tr. 202). 

Hiệp định Geneve quy định tạm thời phân đôi đất nước tại Quảng Trị quê Anh, và dự kiến sau hai năm sẽ tổng tuyển cử hòa bình thống nhất. Cán bộ, quân đội ta ở phía Nam tập kết ra Bắc. Đầu năm 1955, tiễn Anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) từ Nam Bộ xuống tàu ra Bắc, Anh Ba Duẩn nói: “Anh ra báo cáo với Bác Hồ và các anh trong Bộ Chính trị, 20 năm nữa, chúng ta sẽ gặp nhau”. Sau ngày toàn thắng, có người hỏi tại sao hồi ấy Anh Ba nói 20 năm, Anh Sáu giải thích: Bởi Anh Ba sớm thấy cách mạng miền Nam không tránh khỏi đối đầu với quân xâm lược Mỹ, và cuộc đụng độ lịch sử này sẽ vô cùng ác liệt trong thời gian dài (Đậu Ngọc Xuân, sđd, tr. 491).

Những ai có dịp đọc bản tập hợp một số thư, điện Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi các đồng chí lãnh đạo Miền Nam từ đầu năm 1961 đến 30-4-1975, sẽ khó hết ngạc nhiên về tầm nhìn Lê Duẩn (Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, 1985). Vì khuôn khổ bài viết, nhất là do trình độ hạn chế, tôi không thể dẫn giải luận bình các văn kiện lịch sử ấy, vả chăng về mặt quân sự, quân đội ta đã có tổng kết, chỉ xin trích một câu của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam gần như liên tục từ năm 1945 đến ngày toàn thắng: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta, do Hồ Chủ tịch đứng đầu - sau khi Người qua đời do Tổng Bí thư Lê Duẩn kế tục -  thực sự là Bộ Thống soái kiệt xuất trong chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam” (Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb Quân đội nhân dân, 1985, tr. 321).

Những ai có dịp gần cố Tổng Bí thư đều chung nhận xét: Ông đọc rất nhiều và luôn suy nghĩ. Ông đọc vào mọi dịp, đọc trong nhà tù, đọc khi đi nghỉ ở nước ngoài, đến lúc tuổi cao sức yếu vẫn say mê đọc. Trong điều kiện những năm 1980 trở về trước, chắc ít người tham khảo Bách khoa toàn thư của Pháp hay Kinh Coran của đạo Hồi để làm công tác như Lê Duẩn. Theo ông “để làm việc với các tín đồ đạo giáo, cần hiểu đúng tôn giáo của họ”. Ông đọc sách nhưng không nhất nhất tin mọi điều trong sách. “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” (Lênin), phải tìm chân lý từ thực tiễn đất nước mình, hơn nữa tư duy của mỗi người cũng cần phát triển chứ không phải một lần thuộc sách là đủ cho cả đời. Thời trẻ, bạn tù gọi ông là “người hay cãi sách”. Đến thăm trường Đảng, học viên là cán bộ trung, cao cấp đang nghiên cứu Lịch sử Đảng, trao đổi với anh em ở hành lang, Lê Duẩn hỏi: “Các đồng chí học lịch sử Đảng, vậy theo các đồng chí bài học gì của Đảng là đáng ghi nhớ nhất?”. Mỗi người trả lời một cách, ai cũng đúng. Ông cười: “Theo tôi, bài học lớn nhất của Đảng ta là phải độc lập suy nghĩ, giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của Việt Nam” (Tô Bửu Giám, Lê Duẩn…, sđd, tr. 599).

Những năm 1960, trong khi tại một số nơi trên trường quốc tế, có những người nhân danh văn hóa, lạm dụng hai từ cách mạng để hạ uy tín nhau qua báo chí hay hất cẳng nhau tại nghị trường, để hạ bệ nhau và lưu đày hãm hại nhau, thì tại Việt Nam Lê Duẩn phát biểu: “Cách mạng tư tưởng và văn hóa không dùng bạo lực, hành chính, mà dựa vào tự nguyện” (Nhiều tác giả, Về văn hóa, văn nghệ, Nxb Văn hóa, 1972., tr. 69). Và: “Để hiểu việc, con người dùng lý lẽ, lý trí, nhưng khi hành động phải có tình cảm… Cách mạng tư tưởng và văn hóa gắn tình cảm với lý trí. Nói nghệ thuật là nói quy luật riêng của tình cảm. Nghệ thuật vận dụng quy luật của tình cảm”, vv. và vv.

Đầu những năm 1980, Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn tổng biên tập các báo địa phương. Tổng Bí thư đang bận, tranh thủ đến thăm anh em vào giờ nghỉ. Chuyện trò với các nhà báo quây quần, ông tươi cười: “Làm báo là làm công tác khoa học, đồng thời là làm nghệ thuật”. Anh em chúng tôi rất tâm đắc, liên hệ lời của Bác Hồ hôm Bác đến thăm và nói chuyện tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4-1959: “Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương… Người đọc thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc” (Hồ Chí Minh Toàn tập, 1996, tập 9, tr. 417).

Trước những năm 1980, các thuật ngữ hội nhập, tiếp biến văn hóa, hỗn dung văn hóa… chưa phổ biến ở Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn không dùng các danh từ ấy, tuy nhiên cách nhìn thực tiễn của ông luôn quán triệt tinh thần khoa học. Có một số người cho rằng văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa Nho giáo, cứ gặp một câu phong dao, tục ngữ lại nghĩ đến lời ai ai đó thời Tam hoàng Ngũ đế, Xuân Thu chiến quốc hay Hán, Đường, Tống, Minh… Theo Lê Duẩn, nông dân Việt Nam không chịu ảnh hưởng nặng nề của tam cương ngũ thường. Ca dao tục ngữ của ta là sản phẩm dân gian ta, cho dù một số có ngồn gốc Trung Hoa, Ấn Độ hay Âu Tây thì khi vào nước ta, chúng đã được văn hóa bản địa tiếp thu, nhào nặn, biến đổi cho nên lắm khi vẫn câu ấy chữ ấy song mang tinh thần, nội dung khác, phù hợp với nhu cầu, tính cách và phẩm hạnh người Việt Nam. Truyện Kiều kể chuyện bên Tàu, dùng nhiều điển tích Trung Hoa song là văn học Việt Nam. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy là khác giống nhưng chung một giàn…, lá lành đùm lá rách, một hạt khi đói bằng một gói khi no…, nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh…”, những câu ấy là của người Việt Nam nói lên tính cách Việt Nam chứ không phải đến từ phương xa nào.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mỗi lần phát biểu quan điểm của mình về văn hóa đều xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu cách mạng trong bối cảnh cụ thể, ông không làm học thuật. Chúng tôi nhiều lần được đi theo, phục vụ các chuyến công tác của Tổng Bí thư, chưa hề được nghe ông bàn chuyện nước ta có chế độ mẫu hệ, mẫu quyền hay không có. Thăm đền Hùng sau khi đất nước thống nhất, nhắc lại lời Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, Tổng Bí thư nói với Bí thư tỉnh ủy và mấy vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng đi: “Chúng ta nên suy nghĩ dựng tượng Hai Bà Trưng gần đâu đây, để đồng bào từ miền Nam ra, từ các nơi khác về viếng các Vua Hùng thấu hiểu công đức Hai Bà. Sau các Vua Hùng, những anh hùng đầu tiên lãnh đạo nhân dân ta chống ngoại xâm là hai phụ nữ”… Những lời phát biểu về văn hóa, tâm linh trong bối cảnh bang giao hồi bấy giờ (cuối những năm 1970) có ý nghĩa sâu xa, thể hiện tầm nhìn Lê Duẩn.

Thực tiễn vai trò phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước bác bỏ quan điểm Khổng Mạnh về nữ giới, đại thể như “phụ nhân nan hóa”, “con gái và tiểu nhân là những kẻ khó giáo dưỡng”, v.v… Vẫn về vai trò của phụ nữ trong kháng chiến, vào một dịp khác, ông phân tích: “Do hoàn cảnh kinh tế, phụ nữ Việt Nam ta xưa nay ai cũng dè sẻn trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng, đời người phụ nữ có gì quý hơn chồng con? Vậy mà các bà mẹ, người vợ Việt Nam ta khuyến khích, tạo điều kiện cho chồng con đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đứa con lớn không về, cho thằng nhỏ ra trận, mà cầm chắc tổn thất hy sinh. Còn gì anh hùng hơn, còn gì hào phóng hơn thế?”

Giáp Tết Quý Sửu 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực. Tổng Bí thư vào thẳng giới tuyến thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh, Quảng Trị, trong đó có nhiều người là bạn cũ hoặc cùng quê với ông từ phía Nam vừa ra. Chúng tôi được “ăn Tết” với Tổng Bí thư cùng một số cán bộ Quảng Trị nơi căn nhà hầm tránh bom B52 nửa nổi nửa chìm không xa bờ sông Bến Hải.  Hiệp định tuy đã ký, tình hình vùng giáp ranh vẫn phức tạp. Tiếng đại bác giao tranh từ Cửa Việt vẫn dữ dội vọng về. Anh em mời Tổng Bí thư ra Quảng Bình nghỉ đêm. Tại buổi gặp mặt đầu năm cán bộ Quảng Bình, có một số từ phía Nam sông Bến Hải mới ra, Tổng Bí thư nói chuyện gần như tâm tình. Ông ca ngợi công lao, cống hiến của bà con cô bác hai miền, chia sẻ những tổn thất hy sinh, rồi đề cập vấn đề tâm huyết nhất nơi ông là tình thương và lẽ phải, nghĩa tình Nam Bắc, mối quan hệ đồng bào với đồng bào trong cả nước. Xúc động và có ý nghĩa làm sao, trong không khí háo hức đón xuân đồng thời ngổn ngang trăm việc nơi dải đất quê hương bị đạn bom tàn phá không đâu khốc liệt bằng, giữa lúc không ít người bên này bên kia sông Hiền Lương ê chề đau đớn, dằn vặt, hận thù về những tổn thất, hy sinh do chiến tranh gây nên, và hầu như không mấy ai không băn khoăn trước cái giá còn phải trả ngay mai kia đây, khi chúng ta dốc toàn lực giành thắng lợi cuối cùng; đúng vào lúc các thế lực thù địch lu loa hù dọa về cái họ gọi là những cuộc “tắm máu” sẽ diễn ra một khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng kiểm soát toàn bộ miền Nam, thì người đứng đầu Đảng ta ôn tồn nhấn mạnh sự cần thiết người Việt Nam nén bớt nhận thù, đoàn kết nhau lại, thương yêu đùm bọc lấy nhau, cùng xóa đói giảm nghèo, cùng xây dựng quê hương trong hòa bình, thân ái…

Khó kể hết những câu chuyện về tầm nhìn Lê Duẩn, tầm nhìn của một vĩ nhân, chỉ xin dẫn thêm một câu của Viện Mác-Lênin tại “Lời giới thiệu” cuốn Lê Duẩn, Thư vào Nam (1985): “Đồng chí Lê Duẩn luôn luôn nhìn thấy những gì mà nhiều người chưa thấy”.

Đổi mới tư duy là yêu cầu thường trực, không có điểm ngừng, của cuộc sống. Phương châm ấy không phải mới có từ thời đổi mới, nó tồn tại từ trước trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Đại hội VI của Đảng, trước tình thế những năm 1980, nhấn mạnh đổi mới đất nước bắt đầu từ đổi mới tư duy. Cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề không cho phép ta một mực đi theo lối mòn mà phải động não tư duy xuất phát từ thực tiễn đất nước, phù hợp với bối cảnh quốc tế. Đạo lý thánh hiền đậm tính nhân văn do đó trường tồn, tuy nhiên có nhiều cái khó tránh khỏi hạn chế mang tính thời đại. Mỗi danh ngôn ra đời trong bối cảnh cụ thể, hơn nữa có khi được tiền nhân nói ra trong thế động, người đời sau lại hiểu theo dạng tĩnh. “Tiên học lễ hậu học văn” chẳng hạn. Sao lại có chuyện sau trước ở đây? Trong văn có lễ, lễ xây trên văn. Tình yêu Tổ quốc, nghĩa vụ công dân, văn hóa ứng xử giữa người với người, người với cộng đồng… chẳng lẽ chỉ cần mang ra dạy trẻ thời các em cắp sách đến trường là đủ? Phát triển kinh tế, chăm chút tiện nghi, tăng cường an sinh xã hội, nâng cao học vấn…, lo chuyện giàu sang mà không gắn với truyền thống văn hiến Việt Nam phù hợp thời đại mới, thì làm sao tránh khỏi đạo đức xã hội xuống cấp dần thậm chí đi đến suy đồi?

Cuối tháng một vừa qua (2012), kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Cu Ba, Chủ tịch Raoul Castro phát biểu: “Chưa bao giờ có và sẽ không cao giờ có một cuộc cách mạng không mắc sai lầm bởi đó là thành quả của những con người, hơn nữa họ lần đầu tiên đối mặt những thách thức mới mẻ, lớn lao”.

Một ý tưởng không mới nhưng đáng suy ngẫm trong tình hình hiện nay, khi một số thế lực mưu đồ phủ nhận những hy sinh và thành tựu của nhân dân ta trong kháng chiến, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng thế kỷ qua và nhất là ngày nay. Không cuộc cách mạng nào không có bước chệch, không đời vĩ nhân nào chẳng gợn bóng mây. Núi cao rực rỡ đến mấy cũng khó tránh có mảng tối. Cách mạng không ngừng tiến lên, mây không che khuất mặt trời. Cuộc đời danh nhân theo dòng chảy thời gian càng lùi về quá khứ càng tỏa  sáng.

Lịch sử đương đại có những góc khuất - hiểu theo nghĩa khoa học. Nguyên nhân là cách mạng trong bước đầu thường phải đối mặt những thế lực hùng mạnh hơn cả trăm, ngàn lần; cán bộ hoạt động bí mật trong xã hội đầy tráo trở, kẻ thù ngày đêm rình rập. Biết bao chiến công mãi mãi lặng thầm. Sự nghiệp Bác Hồ và không ít chí sĩ nước ta khởi đầu từ thập niên 10 thế kỷ trước, nhiều lãnh tụ trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn hoạt động từ những năm 20, đến nay trên dưới trăm năm. Pháp luật mọi nước đều quy đình thời hạn giải mật các tư liệu mật - trừ một số rất ít liên quan đến quốc phòng, an ninh. Nhiều sự thật sẽ dần ra ánh sáng, làm sáng tỏ hơn công đức những người có công với nước với dân. Điều đó tạo thuận lợi cho việc sưu tầm, nghiên cứu, nghĩ suy. Hơn lúc nào hết, xã hội cần và mong các tài năng khoa học và tài năng sáng tạo hãy cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm chân thiện mỹ, đậm tính nhân văn mà không cầu toàn về các danh nhân thời hiện đại để mọi người cùng hiểu thêm về một thời gian nan và oanh liệt của dân tộc, cùng rút ra những bài học bổ ích cho sự phát triển của đất nước hôm nay và ngày mai.

Phan Quang

4-2012

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên