Tân Tổng thống Chile Sebastian Pinera: Người "hữu" trong vùng "tả"

Cập nhật: 27-03-2010 | 00:00:00

 Tổng thống đắc cử của Chile, ông Sebastian Pinera, đã nhậm chức hôm 11-3, giữa lúc đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Là một chính khách "hữu", bản thân ông Pinera đang đứng trước những cơ hội lẫn thách thức trong bước chuyển tiếp của Chile từ một chính quyền "tả" sang "hữu". Vì thế, việc ông trụ vững được bao lâu cũng đang là đề tài được giới quan sát quan tâm.

 

Ông Pinera thị sát vùng bị thiên tai tàn phá.

Sebastian Pinera năm nay 61 tuổi, sinh tại Santiago, có cha là cựu đại sứ Chile tại Bỉ và Liên hiệp quốc. Bản "lý lịch" của Pinera cho thấy ông là một người thông minh, học giỏi (thạc sĩ và tiến sĩ cùng ngành kinh tế tại Đại học Harvard). Trước khi bước chân vào chính trường, Pinera đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau.

 

17 năm theo nghề dạy học đã tạo cho Pinera một phong cách nhà giáo đạo mạo, dễ tạo sự tin cậy với người xung quanh. Ông từng dạy tại Đại học Harvard, nơi ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành kinh tế. Sau đó (1976), Pinera rời Harvard, trở về quê nhà và tiếp tục dạy học cho đến khi bỏ hẳn để chuyển sang làm kinh doanh vào năm 1988.

 

Dù sinh ra trong gia đình chính khách, bản thân theo nghề giáo, nhưng Pinera lại là người có "máu" kinh doanh và sớm nhúng tay vào các hoạt động kinh tế từ khi còn đi học đại học. Ông chính là một trong những người có công đầu trong việc phổ biến thẻ tín dụng ở Chile.

 

Hiện tại, tài sản của ông ước tính trị giá trên dưới 1 tỉ USD (bao gồm 100% cổ phần Đài truyền hình Chilevision, 27% cổ phần trong Công ty LAN Airlines, 13% cổ phần CLB bóng đá nổi tiếng Colo-Colo, cổ phần đáng kể trong các công ty Quinenco, Enersis và Soquimich). Có lẽ nhờ cái "mác" Đại học Harvard cộng với tư tưởng tư sản hữu khuynh mà Pinera đã "sống khỏe" suốt thời kỳ cai trị khốc liệt của tướng độc tài Pinochet. Đó cũng là lý do mà người Mỹ rất quan tâm và ủng hộ ông lên nắm quyền.

 

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2010, ông Pinera đã trở thành chính khách thiên hữu đầu tiên sau 50 năm được dân chúng Chile bầu trực tiếp lên chiếc ghế cao nhất. Đặc biệt, chiến thắng của ông còn đánh dấu sự quay trở lại cầm quyền của lực lượng cánh hữu Chile có liên quan đến tướng độc tài Augusto Pinochet.

 

Tờ báo Mỹ New York Times đã nêu một chi tiết khá trùng hợp là, lúc bà Michelle Bachelet lên nắm quyền, Chile từng xảy ra một trận thiên tai lớn, đó là trận mưa lũ kinh hoàng năm 2002. Hình ảnh một nhà lãnh đạo mới lăn xả với dân chúng trong thiên tai đã giúp bà Bachelet duy trì được tỉ lệ ủng hộ cao. Bây giờ, đến lượt ông Pinera thắng cử lên làm Tổng thống lại đúng vào những ngày xảy ra trận động đất mạnh 8,8 độ Richter hôm 27-2 ở duyên hải miền Nam.

 

Tại các thành phố bị ảnh hưởng khá nặng bởi thiên tai, nạn cướp bóc, mất an ninh nghiêm trọng, còn tâm trạng chung của dân chúng thì chán nản, lo sợ và oán trách Chính phủ (tiền nhiệm) đã thiếu quyết tâm trong việc đưa ra dự báo và ứng cứu nạn nhân (bà Michelle Bachelet đã chần chừ đến 36 tiếng đồng hồ mới ra lệnh cho triển khai quân đội).

 

Những khó khăn trước mắt do trận động đất đó không chỉ là thách thức đầu tiên cho chính quyền ông Pinera mà còn là cơ hội để ông thực hiện những thay đổi mà người dân trong vùng thiên tai và cả nước mong muốn. Mặc dù không công kích dữ dội chính phủ tiền nhiệm trong thái độ phản ứng đối với trận động đất hôm 27-2, song rõ ràng ông Pinera đang có vẻ "mượn" vụ động đất kinh hoàng này để "thu phục nhân tâm".

 

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Thực hiện được điều mình mong muốn, ông Pinera không tránh khỏi rơi vào thế khó khăn nếu không đạt kết quả như ý muốn.

 

Đó là chưa kể dư luận hiện nay cũng đang lo ngại và đặt vấn đề về sự dính líu của ông và liên minh cánh hữu của ông với chế độ độc tài Pinochet. Pinera là một trong những người sáng lập ra một trong các đảng phái chính trong liên minh cánh hữu, tích cực vận động nhằm cứu vãn lực lượng cánh hữu trong những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ XX, khi tướng Pinochet thoái vị.

 

Ở Chile ngày nay, giới chính khách thiên hữu và doanh nhân tư sản được mọi người xem là "hậu duệ" của chế độ độc tài Pinochet; chính họ là những kẻ hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng tư nhân hóa khi chuyển sang kinh tế thị trường. Pinera cũng thuộc nhóm doanh nhân và từng dính líu đến chế độ độc tài Pinochet, vì vậy ông buộc phải chứng minh cho đất nước Chile thấy rằng ông không còn "vương vấn" cái "bóng ma" đó nếu muốn cầm quyền được lâu.

 

Một nhà phân tích chính trị ở Chile đã đưa ra nhận định, nếu khôn ngoan và giải quyết tốt những khó khăn trước mắt, thực hiện cải cách thành công thì ông Pinera và liên minh cánh hữu của ông sẽ có cơ hội "sống lâu". Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào việc liệu Pinera có "đoạn tuyệt" hoàn toàn với "quá khứ" được không.

 

Tháng 11-2009, người ta đã thấy ông trong lúc vận động tranh cử, đã gặp gỡ khoảng 500 sĩ quan quân đội và cảnh sát thời Pinochet đã về hưu, theo yêu cầu của họ. Sau cuộc gặp đó, Pinera tuyên bố sẽ thúc đẩy việc "áp dụng luật pháp một cách đúng đắn".

 

"Luật pháp" ở đây ám chỉ Luật Ân xá năm 1978 theo đó các sĩ quan quân đội tham gia các hoạt động bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu thành phần thiên tả trong những năm 1973-1978, dưới chế độ Pinochet; luật này đã không được chính quyền thiên tả thực thi đầy đủ trong 20 năm qua.

 

Nếu áp dụng nghiêm túc Luật Ân xá năm 1978 thì tất cả các tướng tá từng dính líu tội ác trong quá khứ được miễn truy tố và điều tra. Và đây chính là một trong những gút mắc lớn, có thể dẫn đến nhiều sự cố, gây khó khăn không nhỏ cho ông Pinera trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình.

(THEO CAND)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên