Tân Uyên: Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ năm, ngày 06/03/2014

Những năm qua, phong trào nông dân (ND) sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi ở huyện Tân Uyên ngày càng có sức lan tỏa và thu hút ND tham gia. Cũng từ phong trào này mà cuộc sống của người ND đã có nhiều đổi thay.

 

Mô hình trồng dưa leo của tổ sản xuất rau an toàn ở thị trấn Uyên Hưng

Nhiều mô hình hiệu quả cao

Ông Ngô Phương Thanh, Chủ tịch Hội ND huyện Tân Uyên cho biết, qua thực hiện phong trào, đến nay, toàn huyện có 7.607 hộ đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương 80 hộ, cấp tỉnh 503 hộ, cấp huyện 1.615 hộ, cấp xã, thị trấn 5.409 hộ. Để giúp ND nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, Hội ND huyện đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Công ty Phân bón Mầm Xanh tổ chức được 258 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên. Nhờ sự nhạy bén, năng động, sáng tạo của ND trong cách nghĩ, cách làm, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã có nhiều mô hình SXKD đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện.

Hoạt động các loại hình câu lạc bộ (CLB) tiếp tục được củng cố và phát triển, có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, duy trì sinh hoạt theo định kỳ, thu hút đông đảo hội viên tham gia như CLB trang trại, CLB chăn nuôi... Hiện nay, toàn huyện có 13 tổ hợp tác và mô hình kinh tế tập thể tại các cơ sở như Tân Mỹ, Uyên Hưng, Bạch Đằng, Thạnh Phước, Tân Hiệp, Lạc An. Bên cạnh đó là các mô hình cho hiệu quả kinh tế như trồng rau sạch, trồng bưởi, cao su. Đặc biệt, có hai trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP là trang trại Phương Uyên và trang trại Tổng hợp Đoàn Minh Chiến.

Chị Lê Thị Chuyên (ấp 1, xã Hội Nghĩa), một trong những hộ ND SXKD giỏi của xã cho biết, trước kia chị thuê đất trồng rau muống, nhưng sau đó đã bị thất bại. Được sự giới thiệu, hướng dẫn của Hội ND xã, chị đã đi học các lớp tập huấn về trồng rau an toàn chuyển sang làm mô hình này, đời sống gia đình chị đã phát triển lên, ổn định hơn. Trên diện tích hơn 3.000m2, bình quân mỗi tháng gia đình chị thu lời được 15 triệu đồng. Anh Bùi Văn Minh (thị trấn Uyên Hưng) thực hiện mô hình trồng nấm hiệu quả, chia sẻ: “Hiện tại, mỗi ngày tôi thu được gần 100kg sản phẩm nấm bào ngư, bình quân mỗi một kg nấm có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Ước tính mỗi năm tôi thu lời được từ 200 - 300 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí”. Trao đổi về mô hình trồng bưởi xen canh chuối chà bột của anh Ngô Minh Hùng (xã Bạch Đằng), ông Ngô Phương Thanh cho biết, đây là mô hình mới nhất của tỉnh và đạt hiệu quả cao. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khi cây bưởi còn nhỏ thì cây chuối sẽ che mát cho cây bưởi. Đồng thời, khi thu hoạch chuối, lá và thân sẽ để xuống rãnh nước làm phân cho bưởi. Bình quân mỗi vụ mô hình này thu được hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi khác trên địa bàn làm ăn có hiệu quả, giúp cho các hội viên ND vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đóng góp xây dựng nông thôn mới

Những hộ nông dân SXKD giỏi trên địa bàn huyện không những nâng cao được đời sống cho gia đình mình mà còn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Trong năm qua, hội viên ND tham gia sửa chữa, dọn vệ sinh, khai thông cống rãnh, nạo vét kênh mương… với số tiền ND đóng góp trên 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hội viên còn giúp nhau xóa đói giảm nghèo như giới thiệu các mô hình làm ăn có hiệu quả, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nhằm giúp nâng cao năng suất. Đặc biệt, hội viên còn quyên góp tiền, ngày công cùng với nguồn vốn của Nhà nước để sửa chữa, xây mới nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Có thể nhận thấy rằng, phong trào ND SXKD giỏi đã khuyến khích người ND hăng say sản xuất để vươn lên thoát nghèo, nhiều ND đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và truyền cho nhau những kinh nghiệm đáng quý trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần cải thiện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.

 

 PHƯƠNG AN