Tân Uyên trên đường phát triển: Nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ!

Cập nhật: 01-11-2010 | 00:00:00

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND vừa có buổi giám sát tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại huyện Tân Uyên. Qua đó cho thấy địa phương có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển toàn diện, nhưng cũng cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc như nạn khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông bị xuống cấp...

KT-XH tiếp tục phát triển

9 tháng qua tình hình KT-XH của Tân Uyên tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì và tăng so cùng kỳ, với 5/7 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt. Tình hình thu hút đầu tư tăng và hoạt động ổn định. Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được hoàn chỉnh, phù hợp quy hoạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Giá trị sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng. Nhiều công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư với tiến độ nhanh và đưa vào sử dụng, phục vụ đời sống nhân dân và yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Tình hình thu chi ngân sách ổn định, các nguồn thu huyện quản lý đạt tỷ lệ cao.

 

Một góc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Ảnh: Trịnh Bình)

Các chỉ tiêu cụ thể về an sinh xã hội đều đạt và vượt so nghị quyết HĐND huyện đề ra như: Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,55/99,53% so nghị quyết. Số hộ sử dụng điện thoại đạt 58,6 máy/100 dân, tăng gấp đôi so nghị quyết. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 97,58%. Đã giải quyết việc làm cho 4.409 lao động, đạt 73,5% so nghị quyết. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm như cầu Thạnh Hội, Bạch Đằng, đường Mỹ Lộc - Đất Cuốc, Đá Bàn - Tân Định...

Đan xen với khó khăn

Công tác thu ngân sách tăng và ổn định, trong đó có nhiều khoản thu cho thấy “mật độ đầu tư, số lượng dự án, thương mại...” trên địa bàn có dấu hiệu chuyển động tích cực như: Thuế trước bạ 23,1 tỷ đồng, đạt 83% dự toán; thu ngoài quốc doanh đạt 156,6 tỷ đồng, chiếm 84% dự toán; thu tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân... đều vượt trên 100% dự toán. Ông  Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chất vấn: “Các khoản thu đều tăng, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt kế hoạch, nhưng chi ngân sách lại vượt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Việc này giải quyết ra sao”? Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Nguyễn Thành Phương lý giải kết hợp với nêu khó khăn, kiến nghị: “Việc khoán chi thường xuyên ổn định trong 3 năm đã phát huy tác dụng tốt ở năm đầu, nhưng sau đó phát sinh nhiều bất cập, xa thực tế giá cả thị trường như chi xăng dầu theo quy định là 5.400 đồng/lít, nhưng nay là 17.500 đồng/lít. Ngoài ra còn nhiều hạng mục khác cũng không còn phù hợp như chế độ công tác phí, chi hội nghị, tem thư, báo chí, tiền tết... Là địa phương có diện tích tự nhiên lớn với số xã, thị trấn nhiều, lại phải chuẩn bị nhân sự cho việc tách huyện vào năm 2015, nhưng không được tăng biên chế. Một số nguồn thu tuy cao nhưng huyện không được hưởng tỷ lệ phần trăm mà phải nộp hết về tỉnh như thu tiền sử dụng đất. Nguồn kết dư hàng năm là do huyện phấn đấu tăng thu, giảm chi, nên kiến nghị trên cho huyện được giữ lại 100% nguồn này để chủ động trong điều hành ngân sách, chi đột xuất ngoài kế hoạch theo yêu cầu thực tế...”.

Nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ

Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện báo cáo: “Toàn huyện có 69 hộ thuộc 7 xã, thị trấn phải di dời dứt điểm trong năm 2010 do có nguy cơ cao do sạt lở bờ sông. Đến nay đã di dời được 64 hộ. Trong đó có 3 hộ tại thị trấn Uyên Hưng, qua khảo sát cho thấy phía dưới lòng sông là nền đá tự nhiên khó sạt lở, nên gia đình xin tự bỏ tiền ra xây bờ kè. Huyện đang lúng túng không biết giải quyết ra sao”? Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ngay: “Nguyên nhân của việc sạt lở bờ sông là do nạn bơm hút cát lậu làm thay đổi dòng chảy, xoáy hàm ếch phía dưới công trình nên rất nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Vì vậy để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, bắt buộc phải di dời triệt để. Nếu địa phương chần chừ, kéo dài tời gian sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”!

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng ban Kinh tế  -Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát đặt vấn đề: “Khai thác khoáng sản trái phép, vượt quy định cho phép là nguyên nhân tác động tiêu cực đến hạ tầng kinh tế xã hội như sạt lở, hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường. Huyện có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này”? Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Phương một lần nữa giải trình: “Là huyện nghèo nên có doanh nghiệp về đầu tư chúng tôi rất mừng, từ đó mà Tân Uyên đón nhận nhiều đơn vị bị địa phương khác “mời đi”, như lò gạch thủ công chẳng hạn! Để giải quyết hậu quả này huyện đang tiếp tục vận động từng bước chuyển đổi công nghệ theo khả năng vì còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng doanh nghiệp. Toàn huyện có 23 đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép. Qua kiểm tra cho thấy đa số chưa hoàn chỉnh thủ tục thuê đất, chưa thỏa thuận đền bù cho dân, sai lệch giữa diện tích trên giấy và thực địa còn lớn. Trong tháng 9 các ngành chức năng của huyện đã kiểm tra, xử lý 18 vụ khai thác khoáng sản, 29 vụ mua bán vận chuyển khoáng sản không phép. Đã xử phạt và truy thu số tiền trên 596 triệu đồng, tịch thu 311m3 cát, 25m3 đất sét. Còn việc bơm hút cát lậu trên sông thì quá khó. Anh em theo dõi, nắm tình hình đã khó mà ra tay bắt tại trận càng khó hơn vì sông Đồng Nai giáp ranh với 3 tỉnh, thành mà sự phối hợp lại thiếu đồng bộ. Nên báo chí cũng nhiều lần phản ánh, anh em tham gia truy bắt cát lậu bị tấn công, gây thương tích... Vấn đề này địa phương kiến nghị nên tìm cách để phối hợp giải quyết triệt để”.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hà kết luận: Tân Uyên tuy gặp khó khăn trước mắt nhưng đã được tỉnh đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Phải tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt, tận dụng cơ hội, điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện. Đây không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực chung của lãnh đạo các ban ngành đoàn thể mà cần có sự phối hợp khéo léo giữa trên và dưới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế  của mình.

DUY CHÍ

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh NGUYỄN THỊ HÀ: Tân Uyên có lợi thế cạnh tranh số một về địa lý

Tân Uyên được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Bé. Ngoài vai trò của một thủy lộ quan trọng kết hợp với hệ thống đường bộ liên hoàn mang tính đối nội và đối ngoại rõ nét thì đây là lợi thế số một về mặt địa lý để phát triển du lịch, làm nền tảng để phát triển dịch vụ và các ngành kinh tế khác.

Địa phương đã có nhiều dự án du lịch sinh thái, trang trại lớn được triển khai, nhưng nhiều năm qua tiến độ vẫn cón rất ì ạch? Phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao? Nếu để xí phần, đầu cơ bất động sản thì giải quyết theo luật. Còn chậm do thủ tục, tài chính thì tìm cách hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư để cùng tồn tại và phát triển.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường PHẠM DANH: Sẽ có sự phối hợp giữa 3 tỉnh, thành để xử lý “cát lậu”

Hiện nay sở đang soạn thảo quy chế phối hợp xử lý nạn bơm hút cát lậu để trình UBND tỉnh và sau đó 3 địa phương sẽ ngồi lại để thống nhất biện pháp xử lý triệt để vấn đề này.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) theo quy định sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2010. Địa phương còn khoảng 300 đơn vị hành chính sự nghiệp chưa làm thủ tục. Được cấp GCN QSDĐ đầy đủ sẽ giúp địa phương quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường thì đã có danh sách, vị trí, bản đồ rõ ràng. Phải chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Đừng để dân bức xúc, phản ánh mới kiểm tra sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn, rắc rối.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên