Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Tân Uyên: Xây dựng kinh tế tập thể gắn kết với nông thôn mới

Thứ ba, ngày 04/06/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

   Hoạt động sản xuất tại Tổ hợp tác trồng bưởi xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên mang lại hiệu quả kinh tế cao

 Tiềm lực lớn

Là một huyện có sự hài hòa giữa các yếu tố công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, vì vậy các mô hình KTTT tại Tân Uyên khá phong phú. Hiện nay huyện Tân Uyên có 25 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh với 550 xã viên, 480 lao động thường xuyên trên các lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải… với tổng vốn điều lệ là trên 71 tỷ đồng; có 13 tổ hợp tác và 13 câu lạc bộ nhà nông, với 435 hội viên. Bên cạnh đó, huyện Tân Uyên cũng có 117 trang trại (TT), với tổng diện tích đất sản xuất là trên 1.800 ha. Trong đó có 83 TT trồng trọt, 33 TT chăn nuôi và 1 TT thủy sản. Các TT tại Tân Uyên phát triển khá ổn định; trong đó phải kể đến các TT trồng cây ăn trái với giá trị kinh tế đạt trên 500 triệu

 đồng/năm. Hiện nay các TT tại Tân Uyên đang có xu hướng liên kết lại với nhau. Đây cũng chính là một trong những điều kiện thuận lợi để Tân Uyên xây dựng các mô hình KTTT trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc phát triển KTTT tại Tân Uyên vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là một số HTX hoạt động trung bình, yếu hoặc kém và giải thể, tập trung ở các HTX nông nghiệp; phần lớn quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ, năng lực nội tại cả về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ sản xuất, nguồn nhân lực còn yếu, chưa đáp ứng quá trình đổi mới và phát triển; các tổ hợp tác, câu lạc bộ nhà nông có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa thực sự góp vốn để hoạt động… Nếu khắc phục được các nhược điểm và hạn chế nêu trên, KTTT tại Tân Uyên sẽ còn có những bước tiến xa hơn nữa.

Hỗ trợ tốt cho xây dựng nông thôn mới

Có thể thấy, hoạt động KTTT tại Tân Uyên trong thời gian qua đã dần đi vào ổn định và phát triển khá. Các HTX đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ngoài xã viên có việc làm, có thu nhập khá và ổn định cuộc sống. Đi đôi với việc phát triển kinh tế, các HTX tại đây còn tích cực tham gia đóng góp và thực hiện các chính sách từ thiện xã hội ở địa phương thông qua các phong trào vận động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết… đã góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó phòng Kinh tế huyện Tân Uyên cho biết, một số địa phương xây dựng NTM đã xây dựng được các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, như tổ hợp tác trồng bưởi tại xã Bạch Đằng. Hoạt động của tổ hợp tác này đã hỗ trợ rất tốt cho các thành viên trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm bưởi; góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng vận động, hỗ trợ để thành lập các tổ hợp tác tại các xã xây dựng NTM khác, để từ đó phát triển lên thành các HTX. Ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương cho rằng, trong thời gian qua, KTTT tại Tân Uyên đã có những bước phát triển mạnh. Trong chương trình xây dựng NTM có một tiêu chí quan trọng là xây dựng các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả. Trong thời gian tới Tân Uyên cần nghiên cứu tập trung vận động, tuyên truyền để xây dựng các mô hình KTTT tại các xã xây dựng NTM cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình hiện có. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã NTM và hỗ trợ tốt cho chương trình này.

 ĐÀ BÌNH