Tăng cường công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

Cập nhật: 09-05-2012 | 00:00:00

 Suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em là hậu quả của thiếu năng lượng so với nhu cầu của cơ thể dẫn đến chậm tăng trưởng. Lứa tuổi dưới 5 tuổi là thời kỳ phát triển nhanh, phụ thuộc rất lớn vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Vì vậy, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE) là một chiến lược mang ý nghĩa quốc gia đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng đầu tư.  Bác sĩ đang tư vấn cho bà mẹ về chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ

Bình Dương xem mục tiêu giảm tỷ lệ SDD trở thành mục tiêu phấn đấu và được đưa vào các nghị quyết của Đảng để trở thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cấp. Xác định được tầm quan trọng của chương trình này, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các sở ban ngành liên quan đã triển khai chương trình PCSDDTE trên địa bàn tỉnh một cách rộng khắp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Chương trình được thực hiện ở 7 huyện, thị và 91 xã, phường với cộng tác viên dinh dưỡng, 91 chuyên trách xã, 91 chuyên trách dinh dưỡng cộng đồng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được cân vào tháng 6 đạt 95%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD giảm từ 12,9% (năm 2010) xuống còn 11,6% (năm 2011) so với toàn quốc là 27,5%. Tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi SDD CN giảm 0,5%, SDD CC giảm 1%. Tỷ lệ trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi uống vitamine A đạt trên 90%. Tỷ lệ sản phụ sau sanh được uống vitamine A đạt trên 90%...

Để đạt được kết quả đó là do sự triển khai chương trình có hiệu quả của ngành y tế, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ mang thai, bà mẹ cho con bú. Công tác truyền thông được duy trì và đi vào chất lượng như thường xuyên phát loa tuyên truyền lưu động tại 7 huyện, thị cổ động uống vitamine A và cân trẻ dưới 5 tuổi, mở hội thảo triển khai kế hoạch hoạt động chương trình PCSDD cho các thành viên BCĐ huyện nhằm huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, tư vấn hộ gia đình, nâng cao kiến thức cho phụ nữ có thai ở các xã, phường trọng điểm. Ngoài ra, tổ chức khám 10/10 xã, tổng số khám 1.100 trẻ, cấp 589 hộp bột cóc, 294 chai Vitaral, 510 chai Nutroplex, 4.800 gói Probio...

Bên cạnh kết quả đạt được song công tác PCSDDTE vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế: tỷ lệ SDD thể thấp còi trẻ dưới 5 tuổi còn cao 24,6%; tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi bị SDD được theo dõi cân nặng hàng tháng chưa đạt chỉ tiêu; nuôi con bằng sữa mẹ chưa đạt; thực hành nuôi dưỡng trẻ dưới 2 tuổi chưa hợp lý; công tác quản lý, giám sát chương trình của huyện, xã còn hạn chế, chưa đạt cả về số lượng lẫn chất lượng, do cán bộ chuyên trách huyện, xã thay đổi mới nhiều trong năm; công tác xã hội hóa trong chương trình PCSDD tại huyện, xã chưa cao, chưa có kế hoạch hoạt động từng ban ngành trong hoạt động phòng chống SDD; đơn vị thường trực là y tế chưa có sự tham mưu kịp thời cho trưởng ban chỉ đạo ở huyện, xã để triển khai đồng bộ các hoạt động của chương trình tại địa phương.

Trong thời gian tới, để từng bước giảm tỷ lệ SDDTE, chú trọng giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi, nâng cao chiều cao trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong có liên quan đến tình trạng SDD... ngành y tế sẽ tập trung can thiệp hai nhóm đối tượng chính đó là phụ nữ mang thai và trẻ em. Đối với phụ nữ mang thai, sẽ tập trung can thiệp tăng cường chăm sóc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đặc biệt chú ý đến phụ nữ có thai, tiền mang thai, cho con bú. Bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai đồng thời góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ SDD bào thai. Đối với trẻ em, sẽ tập trung đẩy mạnh giáo dục nuôi dưỡng trẻ em dưới 2 tuổi, tập trung vào giáo dục lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung hợp lý, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị SDD nặng thông qua các can thiệp bổ sung dinh dưỡng trong bệnh viện và tại cộng đồng, bổ sung vitamine A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, chăm sóc phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện giáo dục tư vấn dinh dưỡng thay đổi hành vi. Đặc biệt, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục xây dựng đề án với các can thiệp chính bao gồm cải thiện bữa ăn thông qua các thực đơn chuẩn, đầy đủ về dinh dưỡng cho trẻ; bổ sung sữa, bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ em và giáo dục truyền thông cho phụ huynh học sinh.

Thiết nghĩ, khắc phục tình trạng SDDTE là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình và toàn thể xã hội, hãy chung sức, đồng lòng, thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ của mình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống, tạo nguồn lực vững mạnh cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên