Tăng cường công tác quản lý, chống sạt lở ven sông - Kỳ 1

Cập nhật: 10-09-2020 | 07:43:13

Kỳ 1: Chủ động phòng chống, bảo đảm an toàn

 Biến đổi khí hậu, mưa lớn, triều cường, khu vực ven sông từ TP.Thuận An đến TX.Bến Cát thường bị sạt lở, ngập nước, chính quyền và người dân địa phương đã tích cực thực hiện công tác phòng chống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý những hộ kinh doanh lấn chiếm mặt sông, bờ sông. Nhiều hộ đã tự tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng.

 Một hộ kinh doanh nhà hàng tại phường Bình Nhâm, TP.Thuận An tự tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm bờ sông

 Tích cực chống sạt lở

Trên địa bàn TX.Bến Cát có 2 sông lớn đi qua là Sài Gòn và Thị Tính. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TX.Bến Cát đến năm 2025 và quy hoạch nông thôn mới các xã được phê duyệt, khu vực ven sông Sài Gòn, Thị Tính được định hướng phát triển nhà vườn, mật độ thấp kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Do chưa đầu tư xây dựng hệ thống đê bao cho toàn tuyến, cặp bờ sông có kết cấu đất, dưới tác động của dòng chảy tự nhiên và mưa lũ đã gây ra sạt lở đất một số vị trí. Trước tình hình đó, một số hộ dân có đất ven sông đã chủ động xây dựng kè để bảo vệ đất và tài sản gia đình, có trường hợp có phép xây dựng công trình, có trường hợp không xin phép.

Ông Đặng Văn Tám, người dân ấp Phú Thứ, xã Phú An, TX.Bến Cát, cho biết: “Trước kia nơi đây là vùng sình lầy, trũng, thường xuyên bị ngập và sạt lở. Một số hộ dân đã cải tạo, giữ đất, chống sạt lở bằng cách đóng cừ dừa, đầu tư cừ xi-măng. Tuy nhiên, do nơi đây ngay hướng dòng chảy, nên tình trạng sạt lở ngày càng nhiều. Đất cứ thế bị nước cuốn trôi”.

Đến nay, công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn TX.Bến Cát đã thực hiện hoàn thành với số lượng 690 mốc (trong đó, sông Sài Gòn 103 mốc, sông Thị Tính 214 mốc), tổng chiều dài 94,7km của 12 tuyến sông, suối, kênh, rạch. Tổng kinh phí thực hiện 3 tỷ 541 triệu đồng. Đã bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước ngoài thực địa kèm theo các tài liệu, hồ sơ có liên quan cho UBND các xã, phường quản lý, sử dụng.

Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, qua rà soát, thống kê đoạn dọc sông Sài Gòn có 10 vị trí sạt lở với tổng chiều dài gần 3.200m. Mỗi vị trí có chiều dài từ 50m - 500m, chiều rộng sạt vào phía đất liền từ 2m - 10m. Các vị trí này xảy ra từ năm 2011, đến nay đã ổn định, không phát sinh thêm. Ông Ân cho biết thêm, tình hình sạt lở bờ sông xảy ra trong nhiều năm qua là do ảnh hưởng của dòng chảy tự nhiên, một phần khai thác cát trái phép dưới lòng sông và do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, có khoảng 225ha đất nông nghiệp ven sông Sài Gòn thường xuyên ngập úng, không thể sản xuất được thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, khu vực này chưa có tuyến đê bao. Trước tình hình đó, một số hộ dân đã đầu tư xây dựng bờ kè để bảo vệ đất, một vài trường hợp không có phép xây dựng. Hiện UBND thị xã đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục từng trường hợp cụ thể theo quy định.

Trên địa bàn TP.Thuận An, sông Sài Gòn đi qua 5 phường và 1 xã, năm 2003 đã đầu tư tuyến đê bao, tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố đã giải quyết được. Tuy nhiên, ngoài mặt sông Sài Gòn do tác động của biến đổi khí hậu, một số đoạn bờ sông bị sạt lở. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Một số đoạn bị sạt lở, thành phố đã chủ động cùng xã, phường huy động người dân gia cố lại. Khi bị sạt lở nước sông tràn bờ đã ảnh hưởng đến đường giao thông, cây cối, tài sản và đời sống người dân. Khi xảy ra sạt lở, thành phố đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời người dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Song song đó, địa phương đã khắc phục khu vực sạt lở, sửa chữa đường giao thông để người dân đi lại thuận tiện”.

Theo ông Tâm, người dân sinh sống bằng nghề nông ven sông Sài Gòn nhiều, nhất là khu vực Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm. Do nguồn lược kinh phí còn hạn chế, ở những khu vực hay bị sạt lở, địa phương đã tạo điều kiện cho người dân khắc phục, chống sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết: “Hàng năm phường đã triển khai rà soát, gia cố bờ sông. Từ khi tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, TP.Thuận An triển khai nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, địa bàn phường Bình Nhâm đã giảm hẳn tình trạng ngập úng cục bộ. Các đoạn bờ xung yếu, tiếp giáp hộ dân thường xuyên được gia cố”.

Hộ kinh doanh tự tháo dỡ công trình lấn chiếm

Theo quy hoạch của TP.Thuận An, khu ven sông Sài Gòn được quy hoạch công viên cây xanh, vừa bảo vệ tuyến đê bao vừa tạo cảnh quan đô thị. Thời gian qua, một số điểm có nguy cơ bị sạt lở cao ở phường Bình Nhâm, Vĩnh Phú, Lái Thiêu, người dân đã thực hiện gia cố bờ bao sông. Tuy nhiên, một số hộ đã lợi dụng tình trạng này để lấn chiếm mặt nước, bờ sông để kinh doanh.

Ghi nhận tại đoạn từ cầu Phú Long cũ đến đoạn cầu Phú Long mới, dài gần 3km, thuộc địa bàn phường Lái Thiêu, có khoảng 10 điểm xây dựng không phép, lấn chiếm sông. Một số hộ đã xin chính quyền địa phương cho thêm thời gian để thu xếp chỗ ở. Một số hộ kinh doanh, công ty vẫn chưa chịu thực hiện như Công ty Thực phẩm chay Thanh Dũng, quán cà phê KTM (phường Lái Thiêu), cà phê Điểm Hẹn…

Tại địa bàn phường Bình Nhâm, đến nay, đa số các hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ, khôi phục hiện trạng. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết: “Vừa qua, chính quyền đã đến vận động chủ hộ kinh doanh tháo dỡ công trình, kiên quyết xử phạt các hộ lấn chiếm bờ sông, mặt sông. Kết quả nhiều hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết thêm: “Những trường hợp lợi dụng gia cố bờ bao chống sạt lở để lấn chiếm mặt sông, bờ sông, UBND TP.Thuận An đã tăng cường kiểm tra, xử phạt. Nhiều hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ công trình”. (Còn tiếp)

Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát: “Khu vực ven sông Sài Gòn, Thị Tính có mật độ dân cư ít, chủ yếu là người dân lập vườn cây ăn trái, có một số nơi đất bỏ trống, hoang hóa. Trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân xây dựng công trình lấn chiếm ven sông. Một số hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ công trình”.

Ông Dư Gia Vỹ, chủ quán Bờ Sông, ấp Bến Giảng, xã Phú An, (TX.Bến Cát): “Dọc tuyến bờ sông thường xuyên bị sạt lở, gia đình tôi phải gia cố lại bờ kè để bảo vệ tính mạng, tài sản gia đình. Là một người dân đồng thời là chủ hộ kinh doanh, tôi luôn chấp hành các quy định của pháp luật. Những hạng mục nào xây dựng chưa đúng quy định, tôi sẵn sàng tháo dỡ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm xây dựng bờ kè để có cuộc sống ổn định hơn”.

Ông Nguyễn Hoàng Khanh, ấp Bình Hòa, phường Bình Nhâm (TP.Thuận An): “Hiện đường Bình Nhâm 22 mưa lớn là nước ngập và đường lại bị sạt lở nhiều, người dân đi lại rất nguy hiểm. Dự tính kinh phí làm bờ kè đoạn tuyến bị sạt lở này hết khoảng 400 triệu đồng. Gia đình tôi đã xin phường để tự bỏ kinh phí gia cố bờ, chống sạt lở. Một số hộ dân nơi đây cũng tự nguyện đóng kinh phí để làm bờ kè trong khi chờ Nhà nước đầu tư.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên