Tăng cường công tác quản lý phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Cập nhật: 08-06-2012 | 00:00:00

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03/2010/CT-UBND của UBND tỉnh, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.  Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu và kiểm tra nhanh tại chỗ ở chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An)

Công tác bảo đảm VSATTP luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân. Chi cục ATVSTP tỉnh đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2009 ngoài các nội dung hoạt động của 4 dự án theo chỉ đạo của Chương trình mục tiêu y tế quốc gia thì công tác quản lý VSATTP tại các bếp ăn tập thể (BATT), cơ sở cung cấp suất ăn sẵn - phòng chống NĐTP tại các BATT là hoạt động trọng tâm và xuyên suốt hàng đầu của chi cục.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, NĐTP luôn xảy ra trong suốt 10 năm qua tại các BATT, trung bình 7 vụ/năm. Trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm khoảng 50%, dị ứng với cá biển 40%, do hóa chất và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. Các vụ NĐTP xảy ra tập trung vào các thời điểm giao mùa tháng 5, 6 và tháng 11, 12. Điển hình năm 2009 xảy ra 10 vụ NĐTP lẻ tẻ tại các BATT với 387 ca mắc. Các năm gần đây, các vụ NĐTP xảy ra chủ yếu tại các KCN phía bắc vừa mới hình thành. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác phòng, chống NĐTP đã được các cấp chính quyền và người dân chú trọng, quan tâm nhiều hơn. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền của các cơ quan chức năng về bảo đảm VSATTP ngày càng được đẩy mạnh, với sự đa dạng về nội dung, hình thức để tiếp cận với cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, nguy cơ không bảo đảm VSATTP cho mọi đối tượng người tiêu dùng. Vì vậy, số vụ và người NĐTP giảm theo từng năm. Năm 2010 xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm với 108 người mắc, năm  2011, xảy ra 1 vụ NĐTP với 51 người mắc, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 3,07.

Ngoài ra, chi cục luôn vận động các doanh nghiệp ký cam kết không để xảy ra NĐTP nhằm góp phần tăng cường nhận thức vai trò trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp về VSATTP BATT, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về VSATTP. Trên 95% các BATT, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn thành lập tổ tự quản VSATTP là đầu mối chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Chi cục ATVSTP thực hiện việc bảo đảm VSATTP tại các BATT, với mục tiêu giảm thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra tại KCN và trường học. Đồng thời, chi cục còn tuyên truyền trên hệ thống loa đài xã/phường/thị trấn, báo, đài, góp phần nâng cao hiểu biết về VSATTP; lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật về VSATTP.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết thêm, ngoài công tác phối hợp giữa ngành y tế với Sở Giáo dục - Đào tạo, các đơn vị liên quan (thú y, bảo vệ thực vật, quản lý thị trường...) Ban Quản lý các KCN tỉnh, Ban Quản lý KCN VSIP trong việc triển khai công tác phòng ngừa NĐTP được đồng bộ, chặt chẽ hơn. Chi cục ATVSTP còn phối hợp các ngành, doanh nghiệp xây dựng hoàn chỉnh bộ tài liệu chuyên môn về phòng ngừa NĐTP, như tài liệu tập huấn VSATTP cho tổ tự quản, Tài liệu ứng phó NĐTP. Bên cạnh đó, chi cục còn xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên website của Sở Y tế Bình Dương. Do đó, hệ thống thu thập thông tin về NĐTP ngày càng được hoàn thiện, góp phần đắc lực công tác phòng chống, hạn chế việc bỏ sót không ghi nhận NĐTP trên địa bàn tỉnh.

Song để duy trì thành quả đã đạt được, Chi cục ATVSTP tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Ban Quản lý KCN VSIP trong việc kiểm tra giám sát việc  thực hiện các nội dung ký cam kết không xảy ra NĐTP, tăng cường tập huấn và giám sát hỗ trợ hoạt động các tổ tự quản BATT tại các doanh nghiệp, trường học. Tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm định kỳ và đột xuất đối với các BATT và cơ sở cung cấp suất ăn trên địa bàn tỉnh, duy trì việc tuyên truyền kiến thức VSATTP cho các nhóm đối tượng; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phòng, chống NĐTP là trách nhiệm của mọi người, mọi ngành trước hết là các nhà sản xuất, kinh doanh, những người tiêu dùng, trong đó có sự phối hợp đồng bộ liên ngành mà ngành y tế đóng vai trò chủ đạo có trách nhiệm truyền thông giáo dục sức khỏe. Để phòng, chống NĐTP hiệu quả, bền vững đang đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương và của cả cộng đồng, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

T.Phương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên