Tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính

Cập nhật: 13-12-2019 | 15:17:53

Trong năm 2019, Sở Nội vụ đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các cơ quan thông tin, truyền thông trong tỉnh để tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính (CCHC), về Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ. Kết quả mang lại là rõ nét với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú…

 Năm 2019, Sở Nội vụ đã kết hợp với Báo Bình Dương thực hiện thành công 6 chương trình giao lưu trực tuyến, tạo sự tương tác và được nhân dân đánh giá cao. Trong ảnh: Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ (giữa) và bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một (bìa trái) tham gia giao lưu trực tuyến chủ đề mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Ảnh: H.VĂN

 Đa dạng hình thức tuyên truyền

Trong năm 2019, thực hiện kế hoạch tuyên truyền về CCHC, Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung CCHC bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế của địa phương. Kết quả, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương đã phát 35 tin thời sự (1 phút/1 tin), 45 phóng sự (3 phút/1 phóng sự), 2 chuyên đề theo dòng thời sự (10 phút/1 chuyên đề), 48 chương trình “Chung tay CCHC” (12 phút/1 chương trình); trên sóng phát thanh cũng đã thực hiện 4 cuộc tọa đàm (50 phút/1 cuộc) và 12 chương trình tư vấn pháp luật về thủ tục hành chính (50 phút/1 chương trình). Báo Bình Dương đã đăng 60 bài, 240 tin trên báo in và hơn 100 tin, hình ảnh, clip trên báo điện tử. Ngoài ra, trên giao diện Báo Bình Dương điện tử đã xây dựng banner tuyên truyền “Chuyên trang CCHC” và đã tổ chức 6 chương trình giao lưu trực tuyến về các hoạt động CCHC mang lại hiệu quả thiết thực. Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đã đăng tải 41 tin, bài và hình ảnh về công tác CCHC.

Văn phòng UBND tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện truyền thông hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trung tâm Hành chính công tỉnh đã phát hành 8 bản tin điện tử về CCHC - hành chính công đến công chức chuyên trách CCHC của các sở, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các hình thức tuyên truyền mang tính truyền thống nêu trên, trong năm 2019, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động như: Sở Công thương đã tổ chức hội thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về cải cách thủ tục hành chính ngành công thương năm 2019”; TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thi “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ chung tay CCHC - chủ đề nụ cười cán bộ trẻ”; huyện Bắc Tân Uyên tổ chức hội thi “Thanh niên với CCHC và văn hóa công sở”...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thông qua công tác tuyên truyền về CCHC, hầu hết các đơn vị, địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các nhà đầu tư, doanh nhân và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC... Nhìn chung các cấp, các ngành đã gắn nội dung Chương trình tổng thể CCHC vào nghị quyết của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, đánh giá chung công tác tuyên truyền về CCHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng thật tốt mục tiêu của chương trình tổng thể cũng như xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương. Việc nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC chưa đầy đủ và chưa tương đồng, nhất là ở cấp xã. Không ít cán bộ, công chức coi CCHC thuần túy chỉ là việc thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”. Kết quả của công tác tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về cải cách; nội dung tuyên truyền chưa sâu, chủ yếu là nêu những mặt tốt, tích cực, chưa mạnh dạn nêu những mặt yếu kém, hạn chế...

Những hạn chế, thiếu sót nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đónguyên nhân là người đứng đầu một số cơ quan chưa thể hiện rõ quyết tâm và trách nhiệm chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, chưa tập trung chỉ đạo, chưa quyết liệt, mạnh dạn trong thực hiện CCHC. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đúng mức, đầy đủ về CCHC; tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức chưa tốt, thậm chí còn gây phiền hà, tiêu cực với tổ chức và cá nhân.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, sớm khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền về CCHC của tỉnh, cần thực hiện các giải pháp sau: Cần xác định chủ thể được thụ hưởng những lợi ích của CCHC trên hết, trước hết đó chính là nhân dân, là các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nói chung. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là phải luôn lấy sự hài lòng của nhân dân, của các nhà đầu tư, các doanh nhân làm thước đo cho hiệu quả công tác CCHC.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác CCHC, nhất là việc huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho công tác này; xác định nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt về CCHC là nhiệm vụ thường xuyên trước mắt và lâu dài. Đây vừa là trách nhiệm của các cơ quan thông tin, truyền thông vừa là trách nhiệm của chính người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, cần có cơ chế phối hợp tích cực, có hiệu quả giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các cơ quan thông tin, truyền thông. Qua đó, tuyên truyền, quán triệt, giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá tạo phát triển bền vững…

Một điểm lưu ý khác đó là nội dung tuyên truyền phải bảo đảm phù hợp, thiết thực với các đối tượng khác nhau. Do vậy, công tác tuyên truyền CCHC phải thông qua nhiều hình thức với các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và cần được triển khai sâu rộng; phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, truyền hình, phát thanh và một số hình thức khác như bản tin của cơ quan, tờ rơi, tờ gấp, panô, áp phích, đối thoại trực tuyến, hội nghị phổ biến quán triệt, họp tổ dân phố, ấp…

 TRẦN KHẮC TUẤN (Sở Nội vụ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên