Tăng cường đối thoại để giải quyết tốt tranh chấp lao động, đình công

Cập nhật: 07-08-2012 | 00:00:00

(BDO) 7 tháng đầu năm nay, tình hình tranh chấp lao động tập thể - đình công (TCLĐTT- ĐC) có giảm so với cùng kỳ năm 2011, nhưng thời gian một cuộc TCLĐTT- ĐC kéo dài hơn, khó giải quyết hơn. Để giải quyết tốt tranh chấp lao động, đình công, các ngành liên quan của tỉnh đã vừa họp bàn và cho rằng, cần tổ chức đối thoại nhiều hơn giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) để hai bên hiểu để chấp hành tốt pháp luật.

Đình công vì mâu thuẫn lợi ích

Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 192 vụ TCLĐTT- ĐC với khoảng 10.610 người tham gia. Trong đó, ở các khu công nghiệp đã xảy ra 75 vụ, ngoài các khu công nghiệp là 117 vụ; có trên 60% số vụ TCLĐTT- ĐC liên quan đến lợi ích đã được NSDLĐ giải quyết tăng lương hoặc phụ, trợ cấp. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2011, các vụ TCLĐTT- ĐC xảy ra giảm 17% nhưng thời gian xảy ra các vụ TCLĐTT - ĐC kéo dài. Cụ thể, có đến 63 vụ kéo dài từ 3 - 4 ngày, chiếm 56%; 5 - 6 ngày có 31 vụ, chiếm 28% và 7 ngày trở lên có 18 vụ, chiếm 16%.

 Quan tâm đời sống NLĐ là cách tốt nhất để hạn chế TCLĐTT - ĐC. Phân tích nguyên nhân, ngành chức năng tỉnh cho biết, nguyên nhân xảy ra các vụ TCLĐTT-ĐC chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn về lợi ích, tiền lương thấp; NSDLĐ chưa chấp hành các quy định của pháp luật lao động dành cho NLĐ. Chẳng hạn, NSDLĐ không thông báo cụ thể cho NLĐ về việc điều chỉnh lương; trả lương không hợp lý giữa người cũ và người mới; tính thuế thu nhập cá nhân của NLĐ không đúng theo quy định; doanh nghiệp (DN) không chủ động giải quyết ngay các yêu cầu của NLĐ mà để trì hoãn, kéo dài làm ảnh hưởng đến trật tự khu vực... Đặc biệt, TCLĐTT - ĐC diễn ra nhiều ở các DN nước ngoài, còn do DN nước ngoài chưa hiểu rõ các chính sách pháp luật Việt Nam; bất đồng ngôn ngữ nên ít tiếp cận, lắng nghe tâm tư của NLĐ. Về phía NLĐ, giá cả sinh hoạt tăng, tiền lương không đủ trang trải các chi phí, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên đình công yêu cầu tăng lương, tăng các phụ cấp, cải thiện bữa ăn…

Về thời gian kéo dài TCLĐTT - ĐC,  ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn, DN phải chịu nhiều sức ép, nên khi NLĐ yêu cầu tăng thêm tiền hàng tháng, tuy chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng NSDLĐ cũng khó chấp thuận được. Vì vậy, đã tạo nên thế giằng co giữa hai bên.

Tăng cường đối thoại giữa NSDLĐ và NLĐ

Để giải quyết tốt tình hình TCLĐTT – ĐC trong thời gian tới, vừa qua, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã ngồi lại với nhau bàn kế hoạch và triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết TCLĐTT-ĐC như: tổ chức tiếp xúc, tọa đàm với cán bộ công đoàn, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động; giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp; xử lý nghiêm các trường hợp đình công trái phép và đối tượng kích động công nhân đình công; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động…

Riêng Liên đoàn Lao động tỉnh, đã đề ra 6 giải pháp, như: thường xuyên sâu sát, nắm bắt diễn biến tình hình quan hệ lao động tại các DN, đề xuất với NSDLĐ tổ chức các cuộc đối thoại ở DN để trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc và củng cố mối quan hệ hợp tác trong DN. Trong các buổi dự chỉ đạo tại Đại hội của các công đoàn cơ sở (CĐCS), cán bộ công đoàn cấp trên dành thơi gian để thông tin tình hình khó khăn chung, động viên NLĐ, NSDLĐ cùng hợp tác, chia sẻ để ổn định sản xuất kinh doanh. Ban chấp hành CĐCS có nguồn quỹ kết dư, tính toán để sử dụng ngay một phần quỹ công đoàn và chủ động đề xuất vói NSDLĐ, trong khả năng của DN cùng chăm lo, giúp đỡ kịp thời các trường hợp NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, kịp thời phân công cán bộ công đoàn chuyên trách có năng lực tham gia cùng các ngành để giải quyết hiệu quả các cuộc TCLĐTT - ĐC ngay từ khi mới xảy ra.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đối với những vụ việc phức tạp kéo dài từ ngày thứ 3, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn cấp trên cơ sở phải trực tiếp tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết. Sau khi ổn định hình hình sản xuất ở các DN xảy ra TCLĐTT - ĐC, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo và hỗ trợ Ban Chấp hành CĐCS phối hợp với NSDLĐ tiến hành thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm củng cố mối quan hệ lao động  tại DN và phòng ngừa tái đình công.

Thu Thảo

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên