Tăng cường đưa khoa học - công nghệ đến nông dân

Cập nhật: 08-12-2015 | 09:20:32

Việc định hướng phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn của Bình Dương. Thực tế cho thấy, diện tích trồng trọt đã và đang giảm nhanh vì quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh chóng. Chính vì thế, khoa học - công nghệ (KH-CN) sẽ giúp người nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập hiện nay.

Nhiều nỗ lực

Giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp của Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đưa KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Bước đầu cho thấy, nông dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về phương thức sản xuất, theo sát thị trường. Hiện nay, KH-CN đã được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh.

Sở KH-CN cho biết, từ năm 2011 đến nay sở đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng cho trên 1.210 cán bộ, hội viên nông dân về ứng dụng KH-CN; đồng thời hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy trình chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGap cho cán bộ, hội viên nông dân. Sở cũng đã xây dựng 8 mô hình điểm về trồng rau trên giá thể, sử dụng lục bình làm biogas và nuôi heo bằng đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, tại thị xã Bến Cát, Thuận An và Tân Uyên, huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng đã có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng KH-CN.

 Thời gian qua, ngành nông nghiệp của Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đưa KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi bò sữa áp dụng KH-CN cho hiệu quả cao của chị Phạm Thị Nở, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng

Điều đáng ghi nhận, nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương đang có sự chuyển biến tích cực. Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều mô hình áp dụng khoa học tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng dưa lưới doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm; nuôi gà đẻ trứng với quy mô toàn tỉnh hơn 30 tỷ quả trứng/năm, cung cấp 2,5 triệu con gà/năm...

Đánh giá về việc áp dụng KH-CN vào sản xuất, chăn nuôi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có sự thay đổi lớn về số lượng và chất lượng nhờ áp dụng KH-CN. Ngoài việc cung ứng đầy đủ nhu cầu tại chỗ, Bình Dương còn cung cấp sản phẩm nông nghiệp ra các thị trường phía Nam; một số đơn vị còn xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng KH-CN vào nông nghiệp vẫn chưa được “phủ sóng” trên diện rộng; bên cạnh đó một số hộ nông dân vẫn còn quen với lối sản xuất cũ kỹ, lạc hậu. Nguyên nhân chính là đa phần hộ nông dân này chưa tiếp cận với KH-CN hoặc chi phí áp dụng KH-CN vào sản xuất, chăn nuôi quá lớn so với khả năng của họ.

Áp dụng KH-CN trên diện rộng

Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Thanh Hùng ở phường Hưng Định, TX.Thuận An với diện tích đất chỉ hơn 1.000m2 đang cho những vụ mùa trĩu quả. Bình quân mỗi vụ anh thu hoạch hơn 80 triệu đồng. Để có được kết quả này, anh Hùng đã sang Thái Lan, Malaysia… tìm tòi và học hỏi công nghệ. Anh Hùng (sinh năm 1988) có thể xem là đại diện cho lớp nông dân thế hệ mới quyết tâm dấn thân vì một nền nông nghiệp vững mạnh và hiện đại. Tuy vậy, không phải người nông dân nào cũng làm được như anh Hùng.

Lý giải cho điều này, đại diện Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), chủ đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) cho biết, bản thân công ty rất muốn chuyển giao công nghệ cho người nông dân, nhưng nhiều người còn quen với lối sản xuất truyền thống nên chưa thể thay đổi ngay được. Hơn nữa, áp dụng KH-CN cần đòi hỏi thời gian mới cho kết quả tốt. Ngoài ra, một mô hình trồng chuối, trồng dưa lưới, cây có múi đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ 300 - 600 triệu đồng/ha nên cũng rất khó khăn đối với nhiều gia đình nông dân.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, nếu nông dân có vốn và diện tích đất canh tác ít, mô hình trồng rau sạch, rau an toàn vẫn có thể áp dụng được. Vì đây là loại cây trồng ngắn ngày, thời gian thu hoạch nhanh, sinh lãi nhiều cho người trồng trọt. Do đó, không nhất thiết chuyển giao cho nông dân những mô hình hoành tráng, vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều cần ở đây là cái tâm của mỗi doanh nghiệp.

Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Điều mong muốn của tỉnh chính là có thể áp dụng KH-CN vào nền sản xuất nông nghiệp trên diện rộng. Theo các chuyên gia, để KH-CN đến nhiều hơn với người nông dân, địa phương cũng nên tính toán “ràng buộc” để doanh nghiệp cam kết chuyển giao công nghệ và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần đưa lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị của tỉnh phát triển bền vững.

 

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1321
Quay lên trên