Bình Dương tuy đã chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, loại trừ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, song vẫn có một số doanh nghiệp điều kiện lao động chưa tốt, khiến người lao động (NLĐ) mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN). Báo Bình Dương đã phỏng vấn bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường (TTSKLĐ-MT) về BNN và cách phòng chống.
Khám chữa bệnh cũng có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao
- Xin bác sĩ cho biết thực trạng về BNN trên địa bàn tỉnh?
- Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ năm 2005 đến nay, TTSKLĐ-MT đã khám cho 27.331 NLĐ làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại gây BNN. Qua đó, đã phát hiện và theo dõi 1.032 NLĐ có nguy cơ mắc BNN, chủ yếu như bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi silic, bệnh nhiễm độc chì vô cơ... Trung tâm đã lập hồ sơ BNN cho 81 trường hợp, đề nghị giám định BNN 24 trường hợp. Kết quả 1 trường hợp hưởng chế độ hàng tháng, 23 trường hợp được hưởng chế độ 1 lần.
Thực chất, những con số trên chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Về môi trường lao động ở tỉnh Bình Dương còn mức ô nhiễm khá cao, số người được khám BNN hàng năm còn thấp (3.000 - 5.000 người/năm). Ngoài ra, tình hình BNN tại Bình Dương cũng rất đa dạng như: bệnh sạm da nghề nghiệp, nhiễm nicotin nghề nghiệp... mà hiện tại trung tâm chưa có điều kiện để khám, phát hiện.
Hiện nay, nước ta mới có 25 BNN được bảo hiểm. Cục Quản lý môi trường y tế đang dự thảo bổ sung thêm 6 BNN mới cần đưa vào danh mục này. Đó là bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do Cadimi, bệnh HIV/AIDS nghề nghiệp, bệnh rung chuyển toàn thân nghề nghiệp, bệnh sốt rét nghề nghiệp, bệnh bụi phổi- Talc nghề nghiệp và bụi phổi - than nghề nghiệp. Nhóm bệnh ung thư nghề nghiệp sẽ tiếp tục được nghiên cứu và bổ sung trong những năm tới vào danh mục BNN được bảo hiểm ở Việt Nam.
- Xin bác sĩ cho biết cách phòng chống BNN?
- BNN có thể phòng tránh được. Để dự phòng các BNN, cần thực hiện nghiêm 3 biện pháp: Kỹ thuật, y tế và trang thiết bị phòng hộ - vệ sinh lao động.
Lý tưởng nhất là NLĐ được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (như che chắn bụi, ồn, sóng vật lý...).
Biện pháp y tế là NLĐ phải được khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm BNN, điều trị kịp thời và làm các thủ tục để được hưởng chế độ nếu chẩn đoán là mắc BNN. Việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động thích hợp cũng là một biện pháp không thể thiếu trong bảo vệ và dự phòng sức khỏe nghề nghiệp.
- Xin cảm ơn bác sĩ.
BẢO ANH (thực hiện)