Tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản

Cập nhật: 06-09-2012 | 00:00:00

Dù trong quá trình quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (KS) trên địa bàn từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng nguyên liệu cho lĩnh vực sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển cho địa phương, thế nhưng sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND của UBND tỉnh, nhất là thời gian gần đây, hoạt động này diễn biến hết sức phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và KS Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết hoạt động khai thác KS trái phép hiện vẫn còn xảy ra ở một vài địa phương, tập trung khai thác các loại KS như cát xây dựng, sỏi đỏ, đất san lấp, sét gạch ngói trái phép, tình trạng vi phạm về an toàn lao động và bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực khai thác xuống cấp trầm trọng... Ông mạnh dạn phân tích nguyên nhân chủ yếu là do sự yếu kém trong công tác quản lý của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, thậm chí có nơi còn buông lỏng quản lý, kiểm tra xử lý pháp luật chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ... Đã vậy, công tác tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng làm cho ý thức chấp hành phát luật của một số doanh nghiệp (DN) hạn chế khá nhiều.

Để tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KS, thực hiện tốt Luật KS năm 2010, ngày 13-8-2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/2012/CT-UBND tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng KS trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, Sở TN&MT cần rà soát các quy định của Luật KS và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, xem xét các vấn đề thẩm quyền của UBND tỉnh để tham mưu ban hành những quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định cũ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, sở cần phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý KS cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KS và người dân địa phương nơi có KS; sớm hoàn chỉnh việc lập Báo cáo khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động KS; xử lý triệt để tình trạng khai thác KS trái phép và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về KS...

Đối với các Sở Công Thương, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch - Đầu tư... tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần khuyến cáo các DN áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng KS và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng KS theo đúng quy chuẩn một cách hợp lý, hiệu quả nhất. Đồng thời kiểm tra chấn chỉnh lại việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng cho các DN, cơ sở ven các sông, rạch lớn nhằm tránh việc lợi dụng giấy phép này để hình thành các bến bãi kinh doanh vật liệu trái phép.

Đối với UBND các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn bên cạnh việc tuyên truyền cần phối hợp với chính quyền các huyện, thị giáp ranh kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển, tập kết cát dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và khu vực hồ Dầu Tiếng. Song song đó, nắm vững địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển KS trái phép diễn ra trên địa bàn mình quản lý, nếu không ngăn chặn, gây bức xúc trong nhân dân, Chủ tịch UBND huyện, thị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND tỉnh...

Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động KS cần tăng cường hợp tác trong việc quản lý khai thác, vận chuyển KS, bảo vệ môi trường; khai thác, chế biến KS phải tuân thủ theo thiết kế, đề án, dự án đầu tư đã duyệt và giấy phép đã cấp, tích cực áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ, an toàn - vệ sinh lao động và chủ mỏ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra mất an toàn lao động, sự cố cháy nổ...

M.H

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên