Bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp và được Bộ Y tế cho là dịch bệnh đang đến đỉnh điểm. Để ứng phó với dịch bệnh TCM, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã tổ chức truyền thông phòng ngừa bệnh TCM cho các tình nguyện viên CTĐ, cô giữ trẻ các trường công lập, nhóm trẻ gia đình, người trông coi trẻ...
Giữ gìn nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ góp phần hạn chế bệnh TCM
Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, Bình Dương là 1 trong 7 tỉnh, thành của cả nước nhận được Dự án “Ứng phó khẩn cấp phòng bệnh TCM” do Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ. Theo đó, hội đã tổ chức được 4 lớp truyền thông cho hơn 1.500 người là cán bộ, hội viên các ban ngành, đoàn thể của cấp huyện và xã, thị trấn; cha mẹ có con từ 0 - 6 tuổi; cô giữ trẻ các trường công lập, nhóm trẻ gia đình, người trông coi trẻ và các tình nguyện viên CTĐ huyện Tân Uyên và TX.Thuận An. Hai địa bàn “nóng” về dịch bệnh TCM.
Tại các buổi truyền thông, mọi người được cung cấp các thông tin về dịch bệnh TCM, cũng như cách nhận biết, nguyên nhân và con đường lây lan của bệnh TCM để từ đó biết cách phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này; nhiệm vụ của tình nguyện viên và phương pháp truyền thông tới cộng đồng về cách phòng ngừa, xử lý dịch bệnh TCM như giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân... nhằm giảm số ca mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do mắc bệnh TCM. Ngoài ra, còn được cấp phát xà bông diệt khuẩn, tờ rơi và tranh lật tuyên truyền bệnh TCM. Chị Nguyễn Thị Hương, một phụ huynh ở Tân Uyên chia sẻ: “Nghe thông tin dịch bệnh TCM thấy sợ quá, nhưng được nghe các bác sĩ tư vấn cụ thể mình cũng phần nào yên tâm. Chỉ cần mình quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, nhà cửa... thì sẽ hạn chế được dịch bệnh”.
Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa vắc-xin, kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, tính đến cuối tháng 10 và tuần đầu của tháng 11, cả nước chúng ta có hơn 80.000 trường hợp với 137 tử vong. Còn tại Bình Dương thì 7/7 huyện, thị và 91/91 xã, phường, thị trấn đã có ca bệnh TCM. Bệnh đang lan rộng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hết tuần thứ 44, toàn tỉnh có 2.382 trường hợp mắc TCM với 10 ca tử vong. Theo thống kê, TX.Thuận An đứng đầu với 591 trường hợp, Tân Uyên có 343 ca mắc TCM nhưng có đến 2 ca tử vong. Thông thường đỉnh dịch thứ 2 của bệnh kéo dài từ tháng 9 đến 12, vì vậy trong giai đoạn hiện nay số ca tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đáng mừng là chúng ta vẫn đang kiểm soát được và ca bệnh đang giảm ở mức cao.
Để phòng chống bệnh TCM thì ngành y tế cũng như các đoàn thể đã tăng cường truyền thông, phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, xử lý từng ca bệnh; phối kết hợp giữa ngành y tế và giáo dục để kiểm soát trong trường học, cộng đồng... Bác sĩ Mỹ cũng khuyến cáo, trẻ bệnh TCM phải được cách ly, không đưa đến lớp để tránh lây lan cho trẻ khác. Để phòng chống bệnh TCM, người dân phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ... Đồng thời, các ban ngành, đoàn thể cần vào cuộc để quản lý ca bệnh tốt hơn và tuyên truyền phòng bệnh đến người dân. Đặc biệt, đối tượng cần quan tâm là các bà mẹ có trẻ dưới 5 tuổi (hiện chưa được tiếp cận và truyền thông đúng mức). Bởi thực tế, có đến 80% trẻ không đến trường bị TCM.
Bà Trần Thị Liên cho biết, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, hội cũng đã cấp phát 96.000 cục xà phòng, phát 300.000 tờ rơi phòng bệnh TCM, hướng dẫn cách rửa tay, 250 bộ poster, 202 bộ tranh lật và 210 cuốn sổ tay cho tình nguyện viên làm công tác truyền thông phòng chống bệnh TCM. Với những giải pháp đồng bộ, hy vọng sẽ kéo giảm dịch bệnh TCM, nhất là số người tử vong vì bệnh TCM.
Thu Thảo