Tăng cường xử lý việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sai quy định 

Cập nhật: 22-04-2016 | 07:05:39

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có kiểm định của cơ quan chức năng, thực phẩm hôi thối... 

Lo thực phẩm bẩn từ ngoài tỉnh

Vừa qua, tại khu vực chợ Đông Đô (phường An Phú), lực lượng chức năng của tỉnh và phường An Phú, TX.Thuận An phát hiện xe tải BS 60C- 009.29 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra hành chính. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2 tấn thịt heo đang bốc mùi hôi thối. Qua kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc cùng giấy chứng nhận kiểm dịch nên đã lập biên bản tịch thu số thịt heo nói trên cùng phương tiện và mời tài xế về cơ quan công an làm việc. Tại cơ quan điều tra, tài xế Nguyễn Đức Bình (SN 1970, quê Đồng Nai) khai nhận, số thịt heo trên được ông mua lại từ các trại heo trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, sau đó đưa về nhà giết mổ ra thịt rồi dùng xe tải vận chuyển lên Bình Dương bán lại cho các tiểu thương.

Hộ dân bơm nước và tiêm thuốc ngủ vào heo chờ tiêu thụ bị bắt quả tang trên địa bàn TX.Bến Cát vừa qua. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Trước đó, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại điểm chăn nuôi heo của gia đình ông Trần Văn Khải, ở khu phố An Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Tại đây, lực lượng đã bắt quả tang các đối tượng đang bơm nước vào heo để tăng trọng lượng cho heo. Tổng đàn heo phát hiện sai phạm của ông Khải là 218 con, được chuyên chở bằng 3 xe tải từ tỉnh Bến Tre về khu chăn nuôi của gia đình ông Khải, chờ bơm nước và giao bán cho một công ty thực phẩm ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.

Cần sự chung tay của các địa phương lân cận

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hầu hết nguồn thịt heo bẩn được phát hiện trên địa bàn tỉnh xuất phát từ các tỉnh, thành khác. Ông Cường cho biết thêm, để xử lý các vụ vận chuyển thực phẩm sai quy định vào Bình Dương và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chi cục đã trang bị số điện thoại đường dây nóng để thu thập thông tin từ cơ sở. Đến nay, qua công tác kiểm tra đột xuất, chi cục vẫn chưa phát hiện cơ sở chăn nuôi vi phạm về chất cấm. Tuy nhiên, do địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, thành, Bình Dương đang trở thành trạm trung chuyển, thậm chí là địa bàn tiêu thụ thực phẩm bẩn nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận vẫn chưa có quy chế phối hợp nhằm xử lý việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sai quy định trên thị trường. Nhiều người hy vọng, ngày 1-7 tới, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, quy định truy cứu hình sự tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng và mức phạt tù lên đến 20 năm khi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ góp phần quan trọng xử lý hiệu quả hơn tình trạng kinh doanh thực phẩm sai quy định.

So với quy định cũ, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt mạnh tay hơn. Tuy vậy, theo ý kiến của một số luật sư, mức phạt này vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết, người phạm tội này gây hậu quả hàng loạt, “giết người không dao” một cách âm ỉ nên phải xử phạt nghiêm. Mức phạt cần nâng lên tù chung thân hoặc tử hình mới hợp lý, chứ không chỉ tối đa 20 năm như trong quy định mới này.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc thực hiện tốt Bộ luật Hình sự 2015 và sự nỗ lực của từng địa phương, để bảo vệ sức khỏe của người dân, các tỉnh, thành cần có quy chế phối hợp chặt chẽ để xử lý triệt để các vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sai quy định trên thị trường hiện nay.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên