Tăng giá cước xe khách dịp lễ tết: Vô lý, trục lợi!

Cập nhật: 11-01-2010 | 00:00:00

Năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp lễ tết, các doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá vé xe (40%), so với ngày thường ở tất cả các tuyến, thậm chí có tuyến tăng đến 60%. Lý do các nhà xe viện ra để tăng giá là nhằm bù lỗ cho chiều chạy rỗng. Tuy nhiên, hành khách cho rằng việc tăng giá như vậy là vô lý, là sự lợi dụng để móc túi người dân.

 

Lễ tết là tăng giá

 

Cứ vào dịp các ngày lễ tết, tất cả các bến xe trên địa bàn TPHCM, các doanh nghiệp vận tải hành khách thi nhau tăng giá vé xe (40%) ở tất cả các tuyến, thậm chí có tuyến tăng 60%. Hành khách cho rằng các nhà xe lợi dụng dịp này để móc túi họ. Bởi vì, ngày thường lượng người đi lại rất ít, thậm chí có xe xuất bến chỉ vài hành khách nhưng xe vẫn chạy. Trong khi đó, các ngày lễ, tết xe nào xuất bến cũng không còn ghế trống, đó là chưa kể họ còn bán thêm ghế phụ (ghế súp).

  Hành khách chờ đợi tại Bến xe miền Đông để được về quê dịp lễ tết.

Theo dự báo lượng khách đi về các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên năm nay tăng khoảng 10% so với dịp Tết 2009. Những tuyến có lượng khách tập trung đi nhiều như Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong 10 ngày trước tết, Bến xe miền Đông cần đến khoảng 16.360 lượt xe (bình quân mỗi ngày có 1.500 – 1.900 xe xuất bến).

 

Anh Lê Quang Tùng ngụ tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thường xuyên vào ra tuyến Quảng Nam - TPHCM phân tích: Ngày thường các tuyến xe xuất bến tại bến Bắc Quảng Nam vào Sài Gòn lèo tèo 4 - 7 hành khách, có hôm một mình tôi xe vẫn chạy. Tuy nhiên, những ngày như vậy, mình chịu khó cùng nhà xe chạy lòng vòng bắt khách. Nghĩa là xe xuất bến lúc 7 giờ nhưng trên đường đi xe chạy tà tà như đi xe đạp để đón thêm khách dọc đường. Đúng ra xe xuất bến đi vào TPHCM nhưng thay vì chạy vào Sài Gòn thì lại chạy ngược ra hướng Đà Nẵng; rồi từ từ đón khách dọc tuyến đường này, qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi nhưng xe vẫn chưa đạt đủ khách tối thiểu (khoảng 15 người). Xe lại tiếp tục quay đầu chạy ngược ra bắt khách đến khi không còn bóng hành khách nào đứng dọc đường.

 

Mỗi lần xe quay đầu đón khách như vậy đương nhiên khách liên tục phàn nàn. Từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa cùng ngày xe vẫn chưa qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi (giáp ranh tỉnh Quảng Nam). Dọc đường đi vào Nam cứ có khách đón là xe đều rước bất kể hành khách đi đến đâu. Nhiều người đặt vấn đề, ngày thường xe loại 3 (không có máy lạnh, không bao ăn) giá vé không đến 200.000 đồng/vé cho tuyến Quảng Nam - Sài Gòn và ngược lại cũng thế. Thế nhưng tết lại tăng lên gấp đôi, thậm chí có tuyến tăng gấp 3?

 

Ngày thường xe xuất bến cao lắm cũng chỉ trên dưới 20 hành khách. Tổng cộng 2 vòng khoảng 40 hành khách là cùng, song các nhà xe vẫn không lỗ. Trong khi đó, những ngày lễ tết, xe nào xuất bến cũng không còn một ghế trống, đó là chưa kể cả chục người ngồi ghế súp (giá tiền cũng tương đương với ngồi ghế chính).

 

Như vậy, chỉ tính riêng cho một vòng xe từ TPHCM về Quảng Nam vào những ngày tết, ít nhất 1 xe chở 50 hành khách (xe loại 50 ghế). Đó là chưa tính nhà xe bán thêm ghế phụ (khoảng 10 hành khách). Tính chung vẫn đông khách hơn ngày thường. Thế mà cứ vào những ngày trên, các doanh nghiệp vận tải đều đồng loạt tăng 40% giá vé, thậm chí 60%. Tại sao như vậy?

 

Chèn ép, “bắt bí” hành khách

 

Lý giải về việc tăng giá vé, nhiều nhà xe cho rằng, tăng giá là để bù cho chiều chạy rỗng. Trên thực tế, chẳng có xe nào chạy rỗng một chiều. Ông Phan Đình Quý chạy tuyến Quảng Nam – Sài Gòn nói: Nhà xe bọn tôi chạy cả năm chỉ trông chờ vào mấy ngày tết kiếm ít tiền xài tết, không tăng làm sao được (!?).

 

Trong khi đó, anh Tấn - lơ xe của ông Quý tiết lộ: Ngày thường một vòng vào ra trừ chi phí, chủ xe bỏ túi trên dưới cả triệu đồng. Đợt tết, tức là 10 ngày trước và sau tết mỗi chuyến ổng kiếm gần 9 chai (tiếng lóng, 1 chai là 1 triệu đồng). Nhiều nhà xe khẳng định, nhờ “hốt” cú tết chứ như ngày thường lấy gì sống (!). Và cũng nhờ đợt này còn tích góp mua thêm xe. Đó là chưa kể tết tốn nhiều phí “lót đường”…

 

Như vậy, trong các dịp lễ tết, ngay cả khi giữ giá bình thường, các nhà xe không hề bị lỗ mà vẫn lời gấp đôi, gấp 3 do lượng khách tăng vọt (trong khi chi phí cho một chuyến không đổi hoặc thấp hơn – do không phải chạy lòng vòng rước khách như trước). Nhưng các nhà xe vẫn “hùa nhau” kêu lỗ và đồng loạt tăng giá vé lên 40% - 60%, hoặc cao hơn nữa.

 

Nhẩm tính cũng đủ thấy lợi nhuận của các nhà xe sẽ tăng lên rất nhiều, thậm chí cả chục lần trong những dịp lễ tết. Thực chất, đây là hành động câu kết của các nhà xe, đồng loạt cùng nhau chèn ép, “bắt bí” để trục lợi đối với hàng triệu hành khách mọi miền – chủ yếu là những người lao động có nhu cầu bức thiết phải về đoàn tụ gia đình, thăm dòng họ sau một năm tha hương làm việc vất vả và cũng chẳng dư dả gì. Điều đó thật vô lý, bất nhẫn.

 

Cơ quan quản lý “vô can”?

 

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, nhằm bù đắp chi phí cho những chuyến xe chiều rỗng (chiều chạy ngược lại vắng khách) kịp quay đầu về bến đón khách, Bến xe miền Đông đã làm việc với các đơn vị vận tải và thống nhất phụ thu thêm 20% - 60% giá vé so với ngày thường. Thời gian áp dụng phụ thu 40% giá vé từ ngày 21 đến hết 23 tháng chạp Âm lịch đối với các tuyến từ TPHCM đi đến các bến từ Thừa Thiên - Huế trở ra các tỉnh phía Bắc; các tuyến từ tỉnh Ninh Thuận đến Đà Nẵng và các tuyến khu vực Tây Nguyên.

 

Các tuyến đi các tỉnh miền Tây, phụ thu từ 27 tháng chạp Âm lịch đến hết mùng 2 Tết. Mức phụ thu 60% giá vé được áp dụng từ ngày 24 đến hết 30-12 Âm lịch đối với các tuyến từ Thừa Thiên - Huế trở ra các tỉnh phía Bắc; các tuyến từ tỉnh Ninh Thuận đến Đà Nẵng và các tuyến khu vực Tây Nguyên; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng.

 

Riêng mức phụ thu 20% chỉ áp dụng từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết trên các tuyến từ Thừa Thiên - Huế trở ra các tỉnh phía Bắc; các tuyến từ tỉnh Ninh Thuận đến Đà Nẵng và các tuyến khu vực Tây Nguyên; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng.

 

Theo ban giám đốc các bến xe, việc tăng giá vé theo cơ chế thị trường và do các doanh nghiệp vận tải tự hiệp thương đưa ra mức giá chứ bến không can thiệp vào việc này. Như vậy, phải chăng cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng đứng ngoài cuộc?

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên