Tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5-7%

Cập nhật: 01-08-2011 | 00:00:00

Lạm phát chỉ có thể ổn định và đi xuống sau khi triển khai Nghị quyết 11 được 4 quý, do độ trễ của chính sách và quán tính lạm phát, với điều kiện từ nay đến cuối năm Việt Nam không nhận thêm một cú sốc lớn nào từ bên ngoài và Nghị quyết 11 phải được triển khai thật sự đồng bộ. Nếu ổn định thành công nền kinh tế, mục tiêu và dự báo cho năm 2011, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% và lạm phát xuống dưới 8% vào năm 2012. Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Hội nghị Đầu tư 2011 vừa diễn ra vào ngày 28-7 ở TP.HCM.

Kinh tế phục hồi nhưng rủi ro vẫn cao

Tình hình nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây không phải là dự trữ ngoại tệ sụt giảm mạnh (chỉ còn 10% hiện nay), nợ công và rủi ro tài chính, nợ xấu, tính thanh khoản không ổn định... mà là lòng tin vào đồng tiền Việt hiện nay đang sụt giảm mạnh và lòng tin của thị trường vào tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô từ phía cộng đồng nhà đầu tư quốc tế cũng ngày càng một giảm đi. T.S Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận định như trên. Theo T.S Thành, những báo cáo nghiên cứu mới nhất cho thấy nền kinh tế Việt Nam tuy đã phục hồi nhưng rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn còn khá cao. Tăng trưởng GDP trong năm 2010 của Việt Nam ở mức 6,8%. Trong đó, ngành nông nghiệp chiếm 2,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 7,7%, dịch vụ 7,5%. Lạm phát dự báo ngày càng tăng, thâm hụt ngân sách cao đang làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoang mang.

Báo cáo Theo dõi Kinh tế châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới được công bố đã dự đoán tăng trưởng GDP chung của các nền kinh tế Đông Á mới nổi đạt 7,9% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012. Trong năm 2010, tăng trưởng chung đạt 9,3%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại do Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát. Tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ ở mức 5,4% trong quý I và 5,7% trong quý II năm 2011. Tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2011 được dự báo sẽ ở mức 6,1%, với nền kinh tế trong năm 2012 kỳ vọng tăng trưởng 6,7%.

Ổn định vĩ mô là trọng tâm

Theo TS. Võ Trí Thành, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng tâm trong những tháng cuối năm 2011 và những năm tiếp theo. Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng bảo đảm phân phối tài nguyên hiệu quả và duy trì tăng trưởng kinh tế cao. Bước chuyển mình từ “tiền tệ nới lỏng - tăng trưởng vững chắc” sang “tiền tệ thắt chặt - tăng trưởng vững chắc” và cần phải được tiến hành song song với cải cách cơ cấu nền kinh tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì cho rằng việc thắt chặt chính sách tài khóa và đầu tư công có lẽ là chưa đủ để ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh tình hình lạm phát của các nước trong khu vực lân cận cũng đang có chiều hướng gia tăng. Lạm phát chỉ có thể ổn định và đi xuống sau khi triển khai Nghị quyết 11 được 4 quý. Nguyên nhân là do độ trễ của chính sách và quán tính lạm phát, nếu từ nay đến cuối năm Việt Nam không có thêm một cú sốc lớn nào từ bên ngoài và việc thực hiện Nghị quyết 11 một cách thật sự đồng bộ và nghiêm chỉnh từ dưới lên thì có thể ổn định thành công nền kinh tế. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% và lạm phát xuống dưới 8% vào năm 2012.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhưng liều lượng hợp lý và phù hợp với chu kỳ kinh doanh, tăng cung tiền hợp lý hơn. Cắt giảm đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư. Bãi bỏ các quy định hành chính như: trần lãi suất tiền gửi, hạn mức tín dụng 80%, không áp dụng tăng trưởng tín dụng cào bằng. Minh bạch hóa thị trường bất động sản, hoàn thiện thị trường cả phía cung và cầu...

Nhận định của nhiều chuyên gia nghiên cứu kinh tế, chưa bao giờ Việt Nam có một thông điệp đầy mạnh mẽ, táo bạo về chính sách ổn định nền kinh tế đất nước như hiện nay. Chỉ trong một giai đoạn ngắn Nghị quyết 11 đi vào thực tiễn đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường, nền kinh tế và nâng cao tỷ giá đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la, gửi tiết kiệm bằng đồng tiền Việt tăng mạnh, lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn tăng ổn định. Đặc biệt, một thành công là Chính phủ đã đưa ra các chính sách đúng đắn về việc thắt chặt đầu tư công, chặn vòng xoáy đô la hóa. Điều này đã giúp cho đồng tiền Việt Nam có sức hấp dẫn hơn, dẫn đến một tín hiệu cho thấy rằng sự mất giá của đồng tiền nội không còn nghiêm trọng trong thời gian tới.

 

 

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên