Tăng viện phí từ ngày 1-3: Chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo ?

Cập nhật: 07-03-2016 | 09:15:59

Gần một tuần sau khi thực hiện giá viện phí mới (kể từ ngày 1-3- 2016), ghi nhận của chúng tôi tại các bệnh viện (BV) là vẫn còn nhiều lúng túng trong thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính số 37. Trong khi đó, bệnh nhân (BN) vẫn tiếp tục chờ đợi và hy vọng chất lượng khám chữa bệnh (KCB) tăng theo tương ứng…

Chăm sóc BN tại phòng hồi sức tích cực BV Đa khoa tỉnh

Vừa thực hiện vừa chờ hướng dẫn

Ghi nhận của chúng tôi tại các BV như: Y học Cổ truyền, Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh… là các BV đã thực hiện Thông tư 37 từ ngày 1-3. Trước đó, các BV đã được Sở Y tế hướng dẫn và làm theo thông tư này từ khâu chuẩn bị, dán công khai các thông báo về việc tăng viện phí mới để BN được biết. BV Đa khoa tỉnh cũng đã có bảng thông báo giá dịch vụ cụ thể. Giá được đưa ra áp dụng theo mức BV hạng I. Tương tự ở BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, giá viện phí áp theo BV hạng III… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúng túng cho bộ phận thực hiện việc áp giá mới này. Theo một số người cho biết, nhiều danh mục kỹ thuật chưa có quy định cụ thể. “Nếu làm sai sẽ bị kiểm tra, xuất toán rất phiền phức nên chúng tôi vẫn vừa làm vừa tiếp tục chờ hướng dẫn”, một nhân viên đang tính viện phí cho BN chia sẻ.

Nói lúng túng là bởi, quy định trong Thông tư 37 có khoảng 1.800 kỹ thuật nhưng chỉ có vài trăm kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật của Thông tư 43 và Thông tư 50 (phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật). Như vậy, sẽ có độ khác biệt rất lớn giữa danh mục kỹ thuật của hai thông tư, nhiều danh mục kỹ thuật không tương đương sẽ không được BHYT thanh toán vì không nằm trong danh mục được Bộ Y tế quy định. Theo quy định, các dịch vụ KCB chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư 37 thì áp dụng theo mức giá của các dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện. Các phẫu thuật, thủ thuật chưa được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện, đồng thời chưa quy định mức giá cụ thể: Áp dụng mức giá tương ứng với từng loại phẫu thuật, thủ thuật tại mục “phẫu thuật, thủ thuật còn lại khác” của từng chuyên khoa. Tuy nhiên, việc áp tương đương thế nào là vấn đề gây rối và lúng túng cho các BV vì giá dịch vụ y tế rất phức tạp không trùng với nhau quá nhiều.

Mong chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn

Tình trạng chung giữa các BV tuyến tỉnh vẫn là quá đông, quá tải. Ghi nhận tại BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh, có rất nhiều BN đến KCB tại đây. Nhiều BN cho biết, họ phải đi từ 4 - 5 giờ sáng để lấy số thứ tự nhưng vẫn phải chờ đợi bởi lượng BN đông. Lý do đông BN là bởi, BN thường tập trung vào buổi sáng, ít người đi khám vào buổi chiều. BV khám, kê toa cho hơn 400 BN/ ngày nhưng lượng BN đến làm thủ tục khám, nhận thuốc rất đông vào buổi sáng. Ông Nguyễn Ngọc Trai, sinh năm 1957 ở phường Chánh Nghĩa, TP.TDM, cho biết viện phí tăng, ông có BHYT nên không lo lắng mấy. “Trước đây, tôi khám, lấy thuốc mỗi tháng một lần. Trước Tết Nguyên đán đến nay thì bác sĩ hẹn 15 ngày/ lần tái khám. Mỗi lần tốn vài chục ngàn đồng cho tiền thuốc, tiền khám nên giá viện phí có tăng một chút cũng được. Điều chúng tôi mong muốn là chất lượng KCB tăng lên, BN không phải chờ đợi lâu…”, ông Trai chia sẻ.

Tương tự, các BN đang chờ thanh toán viện phí, chờ được KCB tại BV Đa khoa tỉnh cũng có chung mong muốn này. Hầu hết những BN chưa có BHYT đều lo lắng khi nghe viện phí tăng. BN có BHYT ít lo hơn nhưng họ vẫn phàn nàn về việc quá tải, phải chờ đợi lâu. “Sợ nhất là bác sĩ khám bệnh xong nhưng thông báo chưa in toa thuốc được. Trước đây, nhiều lần chúng tôi phải đợi đến buổi chiều hoặc hôm sau mới quay trở lại BV. Giá tăng một chút cũng được nhưng BN được phục vụ tốt hơn thì cũng không có gì đáng ngại!”, một BN mong muốn. Ông Đỗ Thanh Vang, sinh năm 1945 ở phường Phú Lợi, TP.TDM cho biết, ông là một thương bệnh binh nên được chi trả 100% viện phí khi KCB. Ông cũng cho biết thêm, Bình Dương có nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công nên hầu như ông không lo lắng gì nhiều về việc điều trị bệnh tim mãn tính của mình. Theo ông, người dân cần tham gia BHYT để khỏi lo lắng mỗi khi giá viện phí tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh thì việc thực hiện Thông tư 37 có những thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, mức tăng viện phí tính bình quân khoảng 30%, phần lớn từ nguồn quỹ BHYT chi trả. Tăng viện phí, nguồn thu của BV tăng sẽ sử dụng vào việc sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, trang bị thiết bị y tế hiện đại, chi phụ cấp cho thủ thuật, phẫu thuật, đầu tư vào con người. Khó khăn là còn có một số danh mục kỹ thuật chênh nhau giữa Thông tư 37 với các thông tư trước đây như Thông tư 43, Thông tư 50 (phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật). Điều này gây khó khăn cho phía BV… Cũng tính toán theo hướng có lợi cho BN, một bác sĩ ở BV Đa khoa tỉnh chia sẻ, trước đây BN đến khám bệnh đóng 15.000 đồng nay BN phải đóng 20.000 đồng. Nhưng thực tế, số tiền BN đóng chỉ tăng 1.000 đồng. Giá thuốc cũng vậy, tăng lên nhưng BHYT thanh toán, người bệnh chỉ đồng chi trả 20%. Thế nên, với những BN có BHYT thì không đến nỗi quá lo lắng.

Thực hiện Thông tư 37, các BV vẫn đang mong cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương thống nhất, ban hành danh mục kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật cũ để đồng nhất cách hiểu giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH để các cơ sở y tế căn cứ vào đó thanh toán BHYT cho bệnh nhân. Và BN thì vẫn luôn mong muốn chất lượng KCB được nâng cao hơn để họ yên tâm khi đến BV chăm lo cho sức khỏe của mình.  

 Q.NHƯ - H.THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên