Tạo đà bứt phá vùng kinh tế phía bắc

Cập nhật: 03-08-2020 | 08:04:53

TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng, được xem là cửa ngõ kinh tế phía bắc của tỉnh, đang sở hữu những điều kiện, giá trị đặc biệt trong phát triển. Trong đó, giá trị công nghiệp của 2 địa phương này đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ công nghiệp của TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng ngày càng chiếm ưu thế trong tổng giá trị toàn ngành của tỉnh trong thời gian qua.

 Sự phát triển nhanh và bền vững của các KCN phía bắc tạo đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Một góc KCN - đô thị Bàu Bàng

 Hạ tầng giao thông đồng bộ

Trong chiến lược phát triển đô thị của Bình Dương, TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng được xem là vùng đô thị đa chức năng, nắm giữ vai trò kết nối giao thương giữa vùng lõi trung tâm với Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển vùng đô thị nằm ở cửa ngõ phía bắc này. Bến Cát và Bàu Bàng còn là cầu nối giao thương của cả vùng đô thị vệ tinh phía bắc với khu tây TP.Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).

Để tạo đà cho sự bứt phá của cửa ngõ kinh tế khu vực phía bắc, trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Về hạ tầng, bên cạnh hai trục kinh tế động lực quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như quốc lộ 14, đường Vành đai 4, Bình Dương đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc như cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến metro Thủ Dầu Một - Mỹ Phước - Bàu Bàng - Long Nguyên, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh. Đáng chú ý là tuyến cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 22 và đường Xuyên Á tạo thành trục động lực phát triển kinh tế thứ ba của Bình Dương, kéo dài xuyên suốt từ Bình Phước xuống TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc mời chào các nhà đầu tư về các KCN phía bắc của tỉnh.

Thúc đẩy phát triển vùng

Về phát triển các KCN, ngoài các KCN hiện hữu trên 2 địa bàn này, hiện Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng 5 KCN tại TX.Bến Cát, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và Thới Hòa. Các KCN này đang trở thành một hấp lực đối với các nhà đầu tư nhắm vào Bình Dương. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây, như: Tập đoàn Kumho Asiana, Công ty Giấy Graft Vina, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation, Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam, Công ty TNHH Tomoku Việt Nam…

Huyện Bàu Bàng đang có 2 KCN lớn hoạt động là KCN - đô thị Bàu Bàng và KCN Tân Bình. Ngoài ra, 2 KCN Lai Hưng và Cây Trường đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến mở nhà máy. Một số dự án có vốn đầu tư lớn tại địa phương này là Công ty TNHH Ampacs Internationa; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc); Công ty TNHH Nội thất Lacouer Craft Việt; Công ty TNHH Singtex Việt Nam (Seychelles)… Với chiến lược “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư, sắp tới dòng vốn đầu tư vào các KCN tại Bàu Bàng còn mạnh mẽ hơn nữa. Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết mục tiêu phấn đấu của địa phương là trở thành trung tâm công nghiệp và là đô thị vệ tinh phía bắc, góp phần tích cực đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I và tạo đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Bàu Bàng dự kiến phát triển 2.300 ha đất công nghiệp và còn thêm 1.300 ha đất dịch vụ - đô thị, đầu tư xây dựng cảng cạn IDC Bàu Bàng. Ngoài ra, Becamex IDC hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức tại Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore để hình thành KCN Khoa học công nghệ và trung tâm sản xuất thông minh 4.0 tại Bàu Bàng, mở ra một hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi. Được biết, KCN Khoa học công nghệ dự kiến được đầu tư, xây dựng trên diện tích 900 ha, có vị trí thuận lợi, liền kề 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh là quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, học tập mô hình từ TP.Daejeon (Hàn Quốc), TP.Eindhoven (Hà Lan) và nhiều thành phố khoa học khác trên thế giới.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bì thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng KCN, cụm công nghiệp. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao, dịch chuyển mạnh công nghiệp về phía bắc của tỉnh để phù hợp với quy hoạch.

 Theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có 33 KCN tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730 ha. Tỉnh cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các KCN trên địa bàn 2 TP.Thuận An và Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời phát triển các KCN tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài KCN bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp.

 NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên