Tập trung phòng, chống dịch bệnh cuối năm

Cập nhật: 02-12-2020 | 07:47:17

 Theo dự báo của ngành y tế, trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm chủ động đối phó với các loại dịch bệnh, ngành y tế tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống hiệu quả.

 Cán bộ xã An Điền, TX.Bến Cát lật úp dụng cụ chứa nước và tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh SXH

 Nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao

Hiện nay, Bình Dương đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính Covid-19 nhập cảnh từ các nước có dịch bệnh về, chưa phát hiện ca dương tính trong cộng đồng. Các bệnh truyền nhiễm: SXH ghi nhận 2.807 ca, tay chân miệng ghi nhận 3.102 ca mắc, sởi 136 ca mắc, rubella 3 ca và cúm mùa 2.927 ca mắc. Dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh có nguy cơ tăng cao và diễn biến phức tạp nếu không triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt. Nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, quá trình đô thị hóa, sự gia tăng giao lưu đi lại... sẽ tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, sởi, SXH, tay chân miệng, rubella, bạch hầu, ho gà…

Trên thực tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh cùng với sự thay đổi bất thường của yếu tố khí hậu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để chủ động, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe, tính mạng người dân. Theo đó, các cơ sở điều trị giám sát chủ động các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, ngành cũng điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đối với các ca sốt phát ban nghi sởi nặng, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút…

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BYT, ngày 22-10-2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời các dịch bệnh: Covid-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, SXH...), xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh

Ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương, UBND các huyện, thị, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các trung tâm y tế, các ngành, đoàn thể tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần, phun hóa chất chủ động tại khu vực có nguy cơ cao. Hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ cũng được tăng cường, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình và cộng đồng.

Bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: “Để hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm tại địa phương, trung tâm đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 các cấp, tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm cũng tham mưu cho lãnh đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người. Đặc biệt, địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản có ca nhiễm Covid-19 ở cộng đồng tại cụm dân cư, tổ dân phố, ấp, khu phố, xã, phường; củng cố các đội phản ứng nhanh tại các tuyến; chuẩn bị thành lập tổ Covid-19 trong cộng đồng”.

Trong khi đó tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, các trung tâm y tế đã tham mưu cho UBND huyện và các địa phương về hoạt động phòng, chống các dịch bệnh lưu hành tại địa phương. Riêng bệnh SXH thì tăng cường truyền thông với thông điệp “Cộng đồng chung tay diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH”. Với bệnh tay chân miệng thì tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phối hợp với ngành giáo dục-đào tạo, ban, ngành đoàn thể triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đối với các bệnh có vắc-xin như: Cúm mùa, dại, bạch hầu, ho gà, uốn ván thì vận động người dân chủ động tiêm phòng tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng; tổ chức hiệu quả các chiến dịch tiêm phòng bệnh: Bại liệt - bạch hầu - uốn ván đạt lỷ lệ cao. Các bệnh lây truyền từ gia cầm, gia súc thì phối hợp các đơn vị liên quan phòng, chống dịch bệnh.

“Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, ngành y tế đều có biện pháp khoanh vùng cách ly, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc và có nguy cơ tại khu vực có dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, điều trị kịp thời không để trường hợp tử vong xảy ra; bên cạnh đó, kiện toàn các đội cơ động chống dịch bệnh từ tỉnh đến huyện, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện luôn sẵn sàng hạ tầng, cơ số thuốc, nhân lực, phương tiện… để kịp thời hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra”.

(Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên