Tết Đoan Ngọ với tục cúng bánh ú

Cập nhật: 13-06-2013 | 00:00:00
Từ xưa đến nay, dân tộc nào trên thế giới cũng có ít nhiều tiết lễ truyền lại. Có tiết lễ mang tính cách địa phương, có những tiết lễ được cử hành trọng thể trong cả nước với nhiều tục lệ đáng quý.

Ngày Tết Đoan ngọ - mùng 5- 5 âm lịch - còn gọi là Tết giữa năm, dân ta tổ chức cúng kiếng rất khiêm tốn, không ồn ào như Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu. Tùy theo nhà nào có gì cúng nấy. Thông thường cúng nồi chè và một ít bánh ú nước tro. Đa phần, dân ta cúng theo truyền thống đáo lệ hàng năm, chớ ít ai biết nguồn gốc xuất xứ của ngày Tết Đoan ngọ. Cũng để cầu quốc thái dân an và các đấng vô hình phù hộ cho gia đình được bình an và mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhiều nông dân khẳng định rằng Tết Đoan ngọ là ngày cúng Thần Nông để xuống giống vì xưa kia, dân ta chỉ làm lúa một vụ, nên vào thời điểm này là mùa mưa bắt đầu, nông dân cử hành lễ xuống giống cho kịp thời vụ.

Sự thật, theo lịch sử Trung Quốc, mùng 5-5 hàng năm là ngày kỷ niệm Khuất Nguyên qua đời. Khuất Nguyên là trung thần của nước Sở, nhà chính trị lỗi lạc, nhà thơ lớn được Sở Hoài Vương trọng dụng. Về sau Khuất Nguyên dâng kế sách liên kết Sở - Tề để tăng sức mạnh nhằm chống lại sự xâm lăng của nước Tần nên bọn nịnh thần xàm tấu gây ly gián, khiến Sở Hoài Vương không tin ông và không thi hành kế sách, dẫn đến đất nước bị đánh bại, vua Sở và Khuất Nguyên bị bắt và đày xuống đất Giang Nam.

Suốt thời gian bi lưu đày, Khuất Nguyên buồn chán thế sự, cố quên việc nước, chuyên tâm lo sáng tác văn học, nổi tiếng với tác phẩm Ly Tao dài 373 câu, nội dung than trách số phận người dân mất nước lầm than thật não lòng. Tác phẩm Ly Tao đạt đỉnh cao nghệ thuật của Trung Quốc ngang tầm với Kinh Thi. Xin trích dẫn 4 câu cuối tiêu biểu cho nỗi lòng của ông:

...“Thôi thương tiếc làm chi cho cực, Biết là đâu một nước không người, Chỉnh lành làm sức với ai, Bành, Hán đâu đó ta thời đi theo...”.

Khi ông hay tin Sở Hoài Vương bị giết, kinh đô nước Sở bị giày xéo, nghĩ rằng nước mất nhà tan là kẻ sĩ phải chết theo cho thỏa lòng trung với nước, nên Khuất Nguyên tự trầm mình xuống sông Mịch La vào mùng 5-5 âm lịch năm 378 trước Công nguyên. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ và làm bánh ú tế lễ rồi ném xuống sông cho các loài thủy tộc bu vào ăn, tránh rỉa rúc xương thịt của Khuất Nguyên. Do đó, có phong tục cúng bánh ú là món chính trong lễ cúng mùng 5-5. Nhà nào ít nhất cũng có vài chùm bánh ú. Do tập tục này mà hàng năm những lò bánh ú ở các nơi cũng rộn rịp hẳn lên để chuẩn bị cho kịp bán trong dịp Tết Đoan ngọ, tuy là nghề mang tính thời vụ, nhưng làm chơi ăn thiệt.

Riêng ở nước ta đến năm 1237, vua Trần Anh Tông ban sắc chỉ cho triều đình lấy ngày mùng 5-5 hàng năm cử hành tế lễ Khuất Nguyên. Do vậy, dân ta theo truyền thống đó mà cúng, nhằm tưởng niệm một danh nhân không riêng gì của Trung Quốc mà như của nhân loại. Từ đó, mùng 5-5 đã mặc nhiên trở thành ngày Tết dân gian của nước ta, còn gọi là Tết giữa năm hay Tết Đoan ngọ.

 

 VŨ CHI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên