Bú sữa mẹ giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên.
Là bệnh viện “Bạn hữu của trẻ em”, để giúp các bà mẹ tự tin hơn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (NĐ 1), TP.HCM đã thực hiện buổi trao đổi giữa các bà mẹ với bác sĩ bệnh viện và bà Wendy Sahu-Khan, chuyên viên Tư vấn sữa mẹ quốc tế, thuộc Tổ chức Project Boomerang của Australia.Bà Wendy nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn cho các bà mẹ về sức khỏe tâm thần và vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ.
Xin chia sẻ lại những thông tin rất thiết thực từ cuộc trò chuyện trên tại khoa chuyên sâu sơ sinh và khu khám điều trị ban ngày.
- Bà mẹ: Tôi đã giải phẫu thẫm mỹ ngực, có cho con bú được không?
Bà Wendy: Hoàn toàn được, nếu đó là kiểu phẫu thuật đặt túi nước muối sinh lý. Nếu là loại silicone, thì tùy theo vị trí đặt, bà nên trao đổi lại với bác sĩ đã thực hiện thẩm mỹ cho bà trước đây.
- Bà mẹ: Tôi vừa có đứa con trai đầu tiên, sữa tôi không tốt vì nó màu vàng, có đúng không? Mẹ chồng tôi nói sữa mẹ tốt phải có màu trắng?
Bà Wendy: Chắc chắn rằng sữa của chị rất tốt cho bé của chị. Sữa màu vàng nhiều chất béo, bé bú mau bụ bẫm hơn. Sữa màu trắng, chứa nhiều chất đường lactose, chất này thì tốt cho cấu tạo chất trắng của não.BS NĐ 1: Vài tháng nữa, bé chóng lớn và linh hoạt là bằng chứng sữa mẹ thuộc loại tốt, bà nội sẽ thay đổi suy nghĩ.
- Bà mẹ: Tôi biết rằng sữa mẹ dễ tiêu, nhưng tại sao con tôi bú mẹ hoàn toàn, cháu lại bị táo bón, vài ba ngày mới đi tiêu?
BS NĐ1: Vài ba ngày không đi tiêu và phân cứng, thế mới là táo bón.
Bà Wendy: Trường hợp con của chị không đi tiêu vài ba ngày, phân mềm có thể do bé bú không đủ nhu cầu, nên không có “nguyên liệu” cho việc đi tiêu.- Bà mẹ: Thế nào là bú đủ?
BS NĐ1: Có thể tính theo công thức, một cữ bú của bé = (150ml x cân nặng của bé) chia cho 7.
- Bà mẹ: Như vậy, nếu bú mẹ, làm sao tính toán được, làm sao biết em bé đã bú đủ no?Bà Wendy: Để biết con mình bú no, là trong 24 giờ, bé cần được thay từ 6 đến 8 lần tã vải, hoặc 3 đến 5 lần tã giấy (ướt đẫm) và đi tiêu vài ba lần. Bé tỉnh táo và vui vẻ. Trong 24 tiếng, em bé cần bú ít nhất là 6 lần, nhiều bé sơ sinh bú từ 8 đến 12 lần.
BS NĐ1: Bú đủ là sau 4 tuần bé có lên cân.
- Bà mẹ: BS vừa nói sữa mẹ rất tốt cho em bé, nhưng tại sao con tôi đang nằm viện, khoa sơ sinh, BS ở đây không cho con tôi bú sữa mẹ?
BS NĐ1: BS điều trị cho biết, con của chị đang có bệnh lý không thể dung nạp chất protein, đang cần điều trị và nuôi với loại sữa bệnh lý, nên tạm thời không thể bú sữa mẹ.
- Bà mẹ: Tôi có thể vắt sữa để dành cho bé?
Bà Wendy: Đúng, sữa mẹ có thể được vắt ra để dành một thời gian sau này cho bé bú lại. Có hai cách cất giữ sữa mẹ: Sữa ướp lạnh: sữa nặn ra để tủ lạnh, ngăn trên cùng, nhiệt độ 4oC, có thể trữ từ 3 - 5 ngày. Sữa đông lạnh: sữa mẹ có thể làm đông giữ tới 2 tuần trong ngăn làm đá của tủ lạnh, hoặc giữ đến 3 tháng trong tủ làm đá. Phải nhớ dán nhãn ghi ngày tháng nặn sữa trước khi trữ lạnh. Khi dùng thì rã đông và ngâm vào nước nóng. Không sử dụng lò viba để hâm sữa.
- Các bà mẹ: Ở Úc hoặc các nước tiên tiến, hiện có thuốc gì uống để bà mẹ có nhiều sữa cho con bú?
Bà Wendy: Trước khi cho thuốc, ở Úc và các nước tiên tiến khác, các bác sĩ cũng thường hướng dẫn các bà mẹ thử điều chỉnh cách ăn uống, cách cho con bú, yếu tố tâm lý, cũng rất kết quả. Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, tìm hiểu và thấy rằng món ăn truyền thống của Việt Nam đu đủ xanh hầm chân giò thực sự là món ăn rất tốt cho các bà mẹ để có nhiều sữa cho con bú. Bên cạnh đó, dù ở đâu trên thế giới, yếu tố tâm lý thoải mái, tình cảm, sự tương tác mẹ con cũng tác động quan trọng đến việc tiết sữa.
NGỌC TÂM (ghi)