Thạc sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Huy Thịnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn mang tính đột phá, đón đầu chiến lược

Cập nhật: 06-08-2020 | 07:54:36

HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường của tỉnh (O&M). Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Huy Thịnh, Giám đốc Chương trình đào tạo ngành quy hoạch vùng và đô thị, trường Đại học Thủ Dầu Một xung quanh hiệu quả của tuyến đường cũng như ý nghĩa của dự án O&M.

 Đường Mỹ Phước - Tân Vạn cần đầu tư, nâng cấp để giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông

 - Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, thưa ông?

- Cùng với tuyến quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem là 2 trục giao thông “xương sống” theo hướng Bắc - Nam của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc của tỉnh. Công trình này vừa mang tính đột phá, vừa là bước đón đầu chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Các tuyến đường này cùng lúc đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại. Đối nội là kết nối xuyên suốt các khu công nghiệp từ phía bắc xuống phía nam của tỉnh. Đối ngoại mang tính liên kết vùng, kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên và tuyến biên giới Campuchia. Hai tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh.

Hiệu quả rõ nét nhất mà tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn mang lại là góp phần hình thành và thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh. Hạ tầng giao thông đối với phát triển công nghiệp của Bình Dương có vai trò rất quan trọng. Từ chủ trương thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông, tạo môi trường thu hút đầu tư, Bình Dương đã kiến tạo những con đường mang tính đột phá làm đòn bẩy. TX.Bến Cát, nơi có tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua, hiện đã hình thành được nhiều KCN quy mô, hiện đại. Đặc biệt, trên cơ sở hướng tuyến quy hoạch của đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương đã chủ động huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng mới đường Mỹ Phước - Tân Vạn, kết nối thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, công nghiệp của tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trục giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.

Tuyến đường này phát huy vai trò to lớn, đặc biệt hơn nữa khi “thành phố phía Đông” của TP.Hồ Chí Minh hình thành, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương với cảng Thị Vải, Cái Mép, cảng container… Việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, góp phần to lớn cho việc thu hút đầu tư trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Song song đó, kết hợp đồng thời với sân bay Long Thành sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho việc phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội mang tính chất vùng lớn hơn, mạnh hơn trong tương lai.

- Theo ông, việc đầu tư xây dựng, mở rộng các nút giao trên tuyến đường này cần thiết và có ý nghĩa như thế nào?

- Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ khi chính thức được đưa vào sử dụng đã mang lại những hiệu quả tích cực đến cuộc sống của người dân cũng như tình trạng giao thông của Bình Dương. Hiện nay, mật độ đường của tỉnh Bình Dương tăng lên theo hướng hiện đại, quy hoạch thông minh, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông cũng như giúp các phương tiện vận hành trơn tru hơn. Tuy nhiên, ở một vài vị trí nút giao thông kết nối xuyên tâm với đô thị hiện hữu như vòng xoay An Phú thường bị quá tải. Vào giờ cao điểm, vòng xoay lại biến thành “thỏi nam châm” hút xe từ mọi ngã đường vào tâm rồi chẻ ra ở nhiều hướng khác nhau, khiến ùn tắc lan ra các tuyến đường lân cận. Cách giải quyết tắc nghẽn tại các nút giao là phải giảm được số điểm giao cắt giữa các dòng xe khi nhập, tách dòng. Xây cầu vượt, hầm chui, hình thành các nút giao thông khác mức theo kiểu hoa mai là phương án hữu hiệu hiện nay. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng, mở rộng nút giao thông khác mức là cần thiết, là giải pháp hay và cần tính toán cụ thể để thực thi.

- HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương dự án O&M, ông nhận định như thế nào về dự án này, thưa ông?

- Tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương trên của tỉnh. Đầu tư nâng cấp cho tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn là hết sức cần thiết và cần sớm triển khai thực hiện. Việc dùng giải pháp xây cầu vượt, hầm chui không chỉ góp phần xử lý tắc nghẽn giao thông, tăng mật độ đường mà còn tạo mỹ quan đô thị, thẩm mỹ cho không gian kiến trúc đô thị tại nút giao, tạo điểm nhấn đô thị.

Việc chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường này cũng cần nghiên cứu một cách khoa học. Cần thiết giao cho đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm, học hỏi các kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài áp dụng vào dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện phải xem xét tổng hợp đa chiều. Đơn cử như đối với quy hoạch phải xem xét quy hoạch tổng thể kết hợp với quy hoạch chuyên ngành giao thông… Từ đó đưa ra phương án tối ưu (2 bản quy hoạch này phải được mapping với nhau), rồi từ đó xem xét các nút giao trực tiếp với các khu đô thị, đoạn nào tiếp xúc trực tiếp với khu đô thị phải làm đường tránh, đường song hành… Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát lưu lượng, mật độ cũng như điểm nghẽn, tắc giao thông…

Cũng cần chia sẻ thêm, cầu vượt khác mức nói chung trong đô thị hiện nay ở các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm vì ngoài giá trị lưu thông còn mang giá trị về kiến trúc, cảnh quan và trở thành di sản của đô thị, như Cầu Rồng đã trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Nhắc đến điều này vì hiện nay ở một số nơi làm cầu vượt mới chỉ quan tâm đáp ứng được nhu cầu đi lại mà chưa xem xét đến yêu cầu thẩm mỹ, đó là kiến trúc cảnh quan, là mỹ quan đô thị. Vì vậy, việc tham mưu lập đồ án, thiết nghĩ cần phải có sự tham gia từ các nhóm chuyên gia như kỹ sư hạ tầng giao thông nói chung và đặc biệt có sự tham gia của kiến trúc sư đô thị. Giải pháp làm cầu vượt có nhiều ưu điểm như giảm giao cắt xung đột giữa các dòng xe, không chiếm nhiều diện tích đất, không tốn chi phí giải phóng mặt bằng…

Đối với các nút giao được xây dựng mới, kết cấu trụ nhiều tầng nên được xét đến trong quy hoạch ban đầu, đưa ra các thiết kế phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu về không gian xây dựng, không gian dưới cầu…

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên